Cá đặc sản ở Tuyên Quang chết hàng loạt, hàng chục tỷ đồng trôi theo dòng nước
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 14:30, 10/10/2023
Trong 2 ngày 8, 9-10, cá nuôi lồng bè của rất nhiều hộ dân dọc 2 bên bờ sông Lô thuộc địa phận các huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn, thành phố Tuyên Quang bất ngờ chết hàng loạt. Ước tính sơ bộ thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng.
Thiệt hại nặng nề
Thống kê sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, hiện tượng cá chiên chết hàng loạt xảy ra ở các xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa); Thái Hòa, Đức Ninh... (Hàm Yên); Chiêu Yên, Phúc Ninh, Tân Long (Yên Sơn); Tràng Đà, Nông Tiến (TP Tuyên Quang), thiệt hại sơ bộ ước tính hàng chục tỷ đồng. Nguyên nhân cá chết chưa xác định.
1 ngày sau khi 3 lồng cá chiên đặc sản bỗng dưng chết sạch, ông Nguyễn Văn Bình, Phó giám đốc Hợp tác xã thủy sản Chiêu Yên (Yên Sơn) không nghĩ mình trắng tay chỉ trong phút chốc. Ông Bình kể, ngày 8-10, như thường lệ sáng sớm ông xuống bè, mở lồng thả thức ăn cho cá ăn. Thay vì cá nhao lên đớp mồi thì chúng ngửa bụng lên ngớp ngớp, nghi có dấu hiệu xấu, ông Bình vớt cá lên, vừa vớt con này lên con kia lại ngớp thở. Liên tục chỉ trong buổi sáng, 3 lồng cá, trong đó 2 lồng cá chuẩn bị xuất chuồng và 1 lồng mới xuống giống cũng đã không còn con nào sống sót.
Theo lời ông Bình, hơn 50 năm làm nghề đánh bắt, nuôi cá chưa bao giờ ông thấy cá chết đột ngột như vậy. Những con cá chiên hàng ngày khỏe mạnh quẫy đạp như vậy nhưng chỉ vài giây ngoi miệng lên mặt nước là nổi bụng.
Cùng xã Chiêu Yên, gia đình ông Phạm Văn Minh còn thiệt hại lớn hơn rất nhiều, 8 lồng cá, trong đó có rất nhiều cá chiên đã không còn sót 1 con nào. Ông Minh xót xa nói với chúng tôi, 200 con cá chiên có trọng lượng từ 1,8 đến 2,2 kg có giá cả triệu đồng/con giờ đã chết thối, không thể cứu vãn được. Bán không ai mua, cho không ai lấy. Thiệt hại vô cùng. Ông Minh bảo, không còn cách nào khác là ông vớt ủ phân bón cây, chôn xuống đất để giữ môi trường không bị ô nhiễm.
Tại xã Thái Hòa (Hàm Yên), toàn bộ chục lồng bè cá đặc sản của Hợp tác xã cá chiên Thái Hòa cũng đã phơi nắp do cá chết sạch. Theo ông Phạm Văn Bình, Giám đốc Hợp tác xã cá chiên Thái Hòa, người có nhiều năm làm nghề chài lưới và cũng nhiều năm chăn nuôi cá đặc sản, ông chưa từng chứng kiến hiện tượng cá chết hàng loạt như này.
Cá như bị trúng độc, quẫy đạp loạn chuồng, ngớp 1-2 ngớp rồi lật ngửa bụng và chết rất nhanh. Ông Bình đã thử đủ mọi cách như dùng bơm để tạo khí ô xy, đưa cá vào môi trường nước khác nhằm cứu vớt nhưng cũng không thể. Gia đình ông Bình ước tính thiệt hại trên 500 triệu đồng.
Theo thống kê sơ bộ của UBND xã Thái Hòa (Hàm Yên) tính đến 11 giờ ngày 9-10, 39 lồng cá với gần 6.000 con cá chiên, trọng lượng khoảng 3,3 tấn và 241 cá bỗng, 400 cá lăng đã chết không còn 1 con nào. Ước tính thiệt hại trên 1 tỷ đồng.
Theo phản ánh từ những người nuôi cá lồng bè dọc theo sông Lô, hiện tượng cá chết hàng loạt không phải do dịch bệnh, bởi con cá khi chết mang cá vẫn tươi, đỏ không có dấu hiệu nhiễm bệnh.
Chưa xác định được nguyên nhân
Thống kê sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, hiện tượng cá chiên chết hàng loạt xảy ra ở các xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa); Thái Hòa, Đức Ninh... (Hàm Yên); Chiêu Yên, Phúc Ninh, Tân Long (Yên Sơn); Tràng Đà, Nông Tiến (TP Tuyên Quang).
Ngay khi nắm được tình hình cá chiên đặc sản và một số loại cá khác chết hàng loạt vừa xảy ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khẩn trương thành lập các đoàn công tác bao gồm lãnh đạo sở, kỹ sư thủy sản kiểm tra tất cả các khu vực xuất hiện cá chết để thực hiện lấy mẫu nước, mẫu cá gửi đi xét nghiệm.
Mục tiêu của Sở là sớm làm rõ nguyên nhân cá chết 1 cách chính xác. Sở cũng phối hợp với các huyện, thành phố thống kê thiệt hại, báo cáo UBND tỉnh để có giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi. Trước mắt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị chính quyền các xã có hiện tượng cá chết, hướng dẫn các hộ chăn nuôi cá lồng tiếp tục theo dõi tình hình sinh trưởng của các lồng cá khác còn lại.
Đồng thời bổ sung Vitamin C, chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho thủy sản nuôi, vệ sinh lồng cá sạch sẽ, neo lại lồng, phao để đảm bảo an toàn, kiểm tra thường xuyên các yếu tố môi trường thủy sản để có biện pháp xử lý kịp thời.
Hiện cơ quan chức năng chưa xác định được nguyên nhân khiến cá đặc sản của nhiều hộ dân và hợp tác xã nuôi dọc sông Lô chết hàng loạt.