Tìm ra nguyên nhân khiến 50 tấn cá chết đột ngột trên sông Nghèn ở Hà Tĩnh

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 16:30, 10/10/2023

Kết quả phân tích mẫu nước ở khu vực sông có 50 tấn cá chẽm bị chết ở xã Thạch Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) có 4 thông số không phù hợp cho nuôi cá.

Sáng ngày 6/10, người dân thôn Sông Hải, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà ra thăm lồng nuôi cá chẽm (cá vược) trên sông Nghèn đoạn phía dưới cống bara Đò Điệm thì phát hiện cá có hiện tượng bị sốc nước, nổi trắng lồng.

Thống kê thiệt hại ban đầu của UBND xã Thạch Sơn cho thấy, có 53 hộ dân nuôi cá chẽm với hơn 200 lồng trên sông Nghèn bị chết trắng với số lượng 50 tấn.

ca1-3-.jpg
Kết quả phân tích mẫu nước có 4 thông số không phù hợp cho nuôi cá.

Nhằm làm rõ nguyên nhân, Chi cục Thủy sản đã cử cán bộ xuống lấy 3 mẫu nước tại vùng nuôi gửi Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I) kiểm tra.

Kết quả phân tích mẫu nước cho thấy, cơ bản các chỉ tiêu trong 3 mẫu nước được phân tích đều có giá trị trong giới hạn cho phép theo QCVN 10:2023/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển), QCVN 08:2023/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt), QCVN 02-19:2014/BNNPTNT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện nuôi thủy sản).

Tuy nhiên, có 4 thông số có giá trị không phù hợp cho nuôi cá là: pH, độ mặn, độ kiềm và sắt tổng số.

Cụ thể, tại 3 điểm lấy mẫu quan trắc, độ mặn có giá trị thấp; độ kiềm có giá trị thấp hơn giới hạn cho phép (60 – 80) là 1,11 lần theo QCVN 02-19:2014/BNNPTNT; hàm lượng sắt tổng số có giá trị cao hơn giới hạn cho phép (<0,5) từ 1,6 – 2 lần theo QCVN 08:2023/BTNMT...

Theo khuyến cáo từ Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc, việc độ mặn, độ kiềm thấp và hàm lượng sắt tổng số cao là các điều kiện không phù hợp cho cá sinh trưởng, phát triển.

Hàm lượng sắt cao có thể gây cản trở quá trình hô hấp của cá và gây độc, đặc biệt là giai đoạn cá đang nhỏ. Giá trị pH ở mức thấp có thể làm gia tăng độc tính của kim loại nặng.

Tô Anh