Quảng Trị ban hành công điện khẩn ứng phó mưa lũ

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:30, 11/10/2023

UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các địa phương chủ động triển khai công tác sơ tán dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu, phòng chống ngập úng vùng thấp trũng và khu vực đô thị; có phương án bố trí các điểm sơ tán dân đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh.
mua-lu.jpg
Ảnh minh họa.

UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành công điện khẩn gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Giám đốc các sở; Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã về ứng phó khẩn cấp với mưa lũ.

Theo thông tin của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Trị, trong 24 giờ qua khu vực Quảng Trị đã có mưa, rải rác mưa vừa và dông, có nơi mưa to đến rất to. Lượng mưa từ 11 giờ ngày 9/10 đến 11 giờ ngày 10/10, vùng núi và vùng đồng bằng, trung du phía Bắc của tỉnh phổ biến từ 30-35 mm; vùng đồng bằng và trung du phía Nam tỉnh lượng mưa phổ biến 80 - 100 mm.

Dự báo từ ngày 11-13/10, khu vực tỉnh Quảng Trị có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa toàn đợt dự báo 150-250 mm, có nơi trên 300 mm. Cảnh báo từ ngày 14-20/10 mưa lớn tại Quảng Trị còn diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài.

Để chủ động ứng phó với hiệu quả với tình hình mưa lũ xảy ra trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai để chỉ đạo triển khai biện pháp ứng phó kịp thời nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; tổ chức lực lượng và hướng dẫn người dân ứng phó mưa lũ; quản lý chặt chẽ ghe, thuyền ở khu vực bãi ngang ven biển, đầm phá và trên sông.

Chủ động triển khai công tác sơ tán dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu, phòng chống ngập úng vùng thấp trũng và khu vực đô thị; có phương án bố trí các điểm sơ tán dân đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh.

Bố trí lực lượng kiểm soát, hỗ trợ hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, không để xảy ra thiệt hại về người. Tổ chức gia cố đảm bảo an toàn cho các khu nuôi thuỷ sản; lồng, bè trên sông và ao, hồ nuôi thủy sản ven biển; có phương án bảo vệ vật nuôi trong các trang trại chăn nuôi an toàn và bảo vệ diện tích hoa màu chưa thu hoạch xong.

Đồng thời, các địa phương, đơn vị chủ động nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân ở những nơi có nguy cơ bị chia cắt do ngập sâu sạt lở; xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển, cắm biển cảnh báo sạt lở, ngập sâu. Sau mưa lũ khẩn trương tổ chức khắc phục hậu quả thiên tai nhanh chóng, xử lý vệ sinh, môi trường và phòng chống dịch bệnh có thể xảy ra.

Ngoài ra các đơn vị và địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chỉ đạo các chủ đập thủy lợi, thủy điện tổ chức trực ban theo dõi, thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành đã được phê duyệt đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du; chuẩn bị phương tiện, vật tư, nhân lực khắc phục nhanh các tuyến giao thông bị hư hỏng do mưa lũ; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ sơ tán, di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh thường xuyên cập nhật, nắm bắt thông tin về diễn biến thiên tai để chủ động triển khai công tác đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên. Chủ đầu tư các công trình đang thi công, đặc biệt là công trình ven biển, ven sông có phương án đảm bảo an toàn cho phương tiện, vật tư, thiết bị thi công, không để xảy ra thiệt hại về người.

Minh Lâm