Phú Yên phát triển Sông Cầu thành đô thị xanh sạch đẹp
Môi trường đô thị - Ngày đăng : 07:30, 16/10/2023
Cách TP Tuy Hòa 45km, Sông Cầu là trung tâm kinh tế, văn hóa, dịch vụ…, cửa ngõ phía Bắc của tỉnh. Nơi đây có sự giao thoa về kinh tế, xã hội giữa hai tỉnh Bình Định và Phú Yên, kết nối hỗ trợ lẫn nhau trong chuỗi các đô thị trục ven biển Nam Trung Bộ. Năm 2009, huyện Sông Cầu phát triển lên thị xã, là đô thị loại IV; đến năm 2019, địa phương trở thành đô thị loại III, trực thuộc tỉnh. Đô thị này có diện tích tự nhiên 49.279ha, dân số khoảng 128.000 người, gồm 4 phường nội thị và 10 xã ngoại thị.
Sông Cầu sở hữu hơn 80km đường bờ biển, được thiên nhiên ban tặng những dải cát trắng trải dài, núi rừng, đầm vịnh; đặc biệt có vịnh Xuân Đài được xếp hạng Di tích thắng cảnh cấp quốc gia vào năm 2011. Đứng trên đỉnh dốc Găng nhìn xuống, vịnh Xuân Đài như bức tranh sơn thủy hữu tình, một vùng non nước thắm đượm màu xanh. Nơi đây có nhiều bãi tắm đẹp như Vũng La, Vũng Chào và nhiều đảo cực đẹp như cù lao Ông Xá, hòn Nhất Tự Sơn, mũi Đá Mài, mũi Tai Mã... Ngoài ra, Sông Cầu còn rất nhiều địa danh du lịch như: thác Cây Đu, hồ Xuân Bình, hầm và đèo Cù Mông, các chùa, miếu cổ như: chùa Triều Tôn, chùa Phước Điền, miếu Ông Cọp, mộ và đền thờ Danh nhân Đào Trí...
UBND TX Sông Cầu đang tiến hành lập quy hoạch chung đô thị Sông Cầu đến năm 2045. Phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ ranh giới thị xã, có giới cận phía đông giáp biển Đông, phía tây giáp huyện Đồng Xuân, phía nam giáp huyện Tuy An và phía bắc giáp tỉnh Bình Định. Mục tiêu của đồ án là khai thác, phát huy các tiềm năng lợi thế nhằm xây dựng, phát triển đô thị theo từng giai đoạn, đáp ứng yêu cầu phát triển mới, hội nhập với sự phát triển của vùng duyên hải Nam Trung Bộ, tạo đà thúc đẩy quá trình đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế. Xây dựng và phát triển Sông Cầu đồng bộ về mạng lưới hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tổ chức không gian và tạo lập hình ảnh đô thị mang bản sắc riêng, đảm bảo phát triển bền vững, cải thiện cuộc sống cho người dân ngày càng tốt hơn.
Theo dự kiến, đến năm 2030 dân số đô thị Sông Cầu có 190.000 người và năm 2045 là 300.000 người. Đô thị này có 9 phường nội thị, gồm Xuân Đài, Xuân Phú, Xuân Thành, Xuân Yên, Xuân Phương, Xuân Thịnh, Xuân Cảnh, Xuân Lộc, Xuân Hải. Khu vực ngoại thị có 4 xã, gồm Xuân Bình, Xuân Lâm, Xuân Thọ 1 và Xuân Thọ 2.
Vóc dáng đô thị theo dạng chuỗi, nhiều trung tâm, là đô thị vườn, đô thị sinh thái, có 2 nhánh chính. Trong đó, nhánh quốc lộ 1 dài 54km từ xã Xuân Thọ 2 đến hầm đèo Cù Mông, với lộ giới rộng 48-52m; nhánh quốc lộ 1D dài 14,5km, từ cầu Bình Phú đến TP Quy Nhơn, với lộ giới rộng 30-36m. Đây là 2 đường giao thông huyết mạch quốc gia, đồng thời cũng là trục chính toàn thành. Trong tương lai, đô thị này còn có đường sắt, đường cao tốc Bắc - Nam chạy qua.
Sông Cầu đang phát huy các tiềm năng lợi thế để xây dựng, phát triển đô thị theo từng giai đoạn, đáp ứng yêu cầu phát triển mới, hội nhập với sự phát triển của vùng duyên hải Nam Trung Bộ, tạo đà thúc đẩy quá trình đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế. Địa phương này phấn đấu đến năm 2025 lên thành phố trực thuộc tỉnh, là cửa ngõ phía Bắc của Phú Yên.