Ngành nông nghiệp Bạc Liêu chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu

Kinh tế - Ngày đăng : 19:30, 16/10/2023

Những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đã đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm giảm thiểu rủi ro, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó góp phần xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng El Nino (pha nóng) đã xuất hiện tại Việt Nam. Dự báo, hiện tượng El Nino tiếp tục phát triển từ tháng 6 cho đến hết năm 2023 và duy trì đến năm 2024. Ảnh hưởng bởi hình thái thời tiết này, khoảng từ cuối tháng 9/2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh thường xuyên xuất hiện các trận mưa lớn kéo dài khiến nhiều diện tích lúa thu đông bị ngập sâu trong nước. Để cứu lúa, bên cạnh việc chính quyền địa phương vận hành các cống xả, trạm bơm tập trung, nhiều bà con có ruộng ở vùng trũng còn huy động máy bơm di động để bơm nước ra khỏi ruộng.

Chi phí cuối vụ tăng cao, năng suất lúa ít nhiều bị ảnh hưởng bởi tình trạng ngập úng là điều khó tránh khỏi. Chưa dừng lại ở đó, theo đánh giá của các nhà khoa học, do ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino, nền nhiệt độ từ nay đến cuối năm sẽ có xu hướng tăng hơn trung bình nhiều năm, nắng nóng có khả năng xảy ra nhiều hơn và gay gắt hơn so với năm 2022. Do đó, rất có thể xảy ra tình trạng đầu vụ thì nước ngập úng, cuối vụ lại thiếu nước, khô hạn cục bộ và xâm nhập mặn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vụ lúa thu đông hiện đang canh tác và vụ đông xuân vào cuối năm.

nganh-nong-nghiep-bac-lieu.jpg
Nhiều hệ thống thủy lợi ở Bạc Liêu phát huy tác dụng tích cực trong phòng chống hạn, mặn (Ảnh: K.V)

Trên cơ sở cảnh báo về hiện tượng El Nino, tỉnh đã xây dựng các kịch bản chủ động ứng phó, thích ứng để đảm bảo tình hình sản xuất, bảo vệ mùa vụ cho nhà nông. “Dự báo hiện tượng El Nino sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống cũng như sản xuất của người dân. Do đó, ngay từ đầu năm, phòng đã chủ động kiểm tra nguồn nước, các cống đầu nguồn để sẵn sàng các phương án ứng phó, bảo vệ vuông tôm, ruộng lúa, rẫy màu cho bà con”, ông Võ Minh Huy - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân, cho biết.

Với 3 hình thái sản xuất chuyên biệt: mặn - ngọt - lợ, cùng với sự đa dạng điều kiện tự nhiên như địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, Bạc Liêu có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ, bền vững, chủ động thích ứng. Nhưng theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian gần đây, BĐKH ngày càng cực đoan làm ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, tình trạng mất mùa, dịch bệnh phát sinh và lây lan do thời tiết thất thường là nỗi lo thường trực với nông dân.

Chính vì vậy, việc phát triển nông nghiệp theo hướng chủ động, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để thích ứng tốt nhất và chịu đựng được với những tác động tiêu cực thời tiết là giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, mang lại thu nhập cao, ổn định cho người dân.

Theo đó, ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng - vật nuôi phù hợp với từng địa phương. Ðặc biệt, việc nghiên cứu phát triển và chuyển giao các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, thích nghi điều kiện canh tác (chịu mặn, chịu hạn, chịu phèn), chế độ canh tác (ngập lụt, hạn) phục vụ sản xuất hàng hóa theo mô hình canh tác nông nghiệp thông minh. Đồng thời tập trung triển khai, nhân rộng các mô hình, biện pháp canh tác hiện đại, hiệu quả cao như thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), kỹ thuật canh tác “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM)...

Năm nay, trước sự hỗ trợ, hướng dẫn của ngành Nông nghiệp huyện Hồng Dân, nhiều nông dân đã mạnh dạn tháo chua, rữa mặn kỹ, đồng thời sạ lúa ngay trên vuông tôm mà không làm mạ như trước, rút ngắn thời gian, công sức và chi phí sản xuất. Ông Ngô Thanh Tú (xã Ninh Thạnh Lợi) chia sẻ: “Tôi thấy ngành Nông nghiệp hướng dẫn bà con mình cách làm này vừa tiết kiệm được thời gian xuống giống cũng như nhân công, chi phí sản xuất. So với hình thức cấy mạ thì sạ lúa trực tiếp tiện lợi hơn nhiều và cũng chủ động hơn trong việc kiểm soát, quản lý nguồn nước, bón phân, chăm sóc, thu hoạch”.

Để chuyển đổi cây trồng hiệu quả, ngành Nông nghiệp tỉnh yêu cầu các địa phương thông tin và khuyến cáo rộng rãi đến nông dân về ý nghĩa, hiệu quả của việc chuyển đổi. Đồng thời, chủ động định hướng giống cây trồng - vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của từng tiểu vùng sinh thái; tăng cường kết nối, mời gọi doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, cung ứng vật tư và bao tiêu đầu ra sản phẩm cho nông dân.

“Việc sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn thực phẩm và thích ứng với BĐKH đang là nhu cầu tất yếu. Để các mô hình nông nghiệp bền vững, phát huy hiệu quả thì những công trình và phi công trình ứng phó với BĐKH cũng cần triển khai hiệu quả, đặc biệt là vấn đề quy hoạch, lựa chọn cây trồng cần phù hợp theo điều kiện từng vùng và cần có định hướng lâu dài để bảo đảm đầu ra ổn định”, Giám đốc Sở NN&PTNT - Lưu Hoàng Ly cho biết.

Hoàng Linh