Thừa Thiên - Huế vận hành xả nước hồ chứa lớn nhất

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 17:00, 16/10/2023

Từ 15h chiều 16/10, hồ Tả Trạch chứa nước lớn nhất tỉnh Thừa Thiên - Huế bắt đầu xả nước nhằm đảm bảo an toàn khi mùa mưa lũ về.

Trước dự báo trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa to đến rất to, vào trưa 16/10, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu vận hành điều tiết hồ Tả Trạch - công trình hồ chứa có dung tích lớn nhất trên địa bàn tỉnh.

ho-chua-nuoc.jpg
Hồ Tả Trạch đang xả nước. 

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, từ ngày 16-17/10, dự báo trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to, đặc biệt tại khu vực Khe Tre có lượng mưa 130-200mm. Mực nước hồ chứa nước Tả Trạch lúc 8h ngày 16/10 ở mức +37,31m, lưu lượng đến hồ 313m3/s, lưu lượng về hạ du 80m3/s; mực nước trên sông Hương tại trạm thủy văn Kim Long ở mức +0,68m.

Để chuẩn bị sẵn sàng đón các trận lũ trong thời gian tới, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Tả Trạch vận hành điều tiết hồ chứa nước Tả Trạch qua tràn xả sâu và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 180 - 280m3/s. Việc điều chỉnh vận hành tùy theo tình hình lưu lượng thực tế đến hồ. Thời gian bắt đầu tăng dần lưu lượng điều tiết là lúc 15h ngày 16/10.

Hồ chứa Tả Trạch có dung tích hơn 500 triệu mét khối. Đây là công trình hồ chứa quy mô lớn nhất tỉnh Thừa Thiên Huế và là công trình hồ chứa lớn thứ hai ở miền Trung, sau hồ Cửa Đại ở Thanh Hóa. Hồ Tả Trạch có nhiệm vụ chống lũ tiểu mãn, lũ sớm và giảm lũ chính vụ cho hệ thống sông Hương.

Để chủ động ứng phó với mưa to đến rất to gây ngập úng cục bộ ở vùng trũng, khu đô thị, sạt lở đất vùng núi, vùng gò đồi, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vi chủ hồ đập triển khai công tác ứng phó với vùng áp thấp, mưa lớn, phân công nhân sự xuống các địa bàn trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở.

Các cơ quan, đơn vị liên quan được yêu cầu rà soát, kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông, ven phá, khu dân cư có nguy cơ bị ảnh hưởng gió mạnh, sóng lớn, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập lụt; triển khai phương án ứng phó mưa lũ tại cấp xã theo phương châm "4 tại chỗ".

Khánh Linh