Bảo tồn hệ sinh thái độc đáo Vườn quốc gia Cát Bà
Đa dạng sinh học - Ngày đăng : 08:30, 17/10/2023
Theo thống kê, hiện Vườn đang là nơi trú ngụ của trên 4.000 loài động, thực vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm, đặc hữu như voọc Cát Bà đầu trắng, sóc đen, sơn dương, khỉ lông vàng, thạch sùng mí Cát Bà… cùng với đó là những giá trị lịch sử vẫn còn được bảo tồn cho tới ngày nay. Đặc biệt, nơi đây là khu bảo tồn duy nhất của Việt Nam và thế giới đang tồn tại các quần thể nhỏ của loài voọc Cát Bà với số lượng hiện còn khoảng 70 cá thể.
Những năm qua, Vườn đã thực hiện thành công khoảng 15 đề tài, dự án cấp bộ, thành phố và cơ sở nhằm bảo tồn và phát triển nguồn gen động, thực vật. Đặc biệt, có 14 dự án của các tổ chức phi chính phủ phối hợp đầu tư, nâng cao năng lực quản lý, lãnh đạo nhằm phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên trên huyện đảo.
Ông Nguyễn Văn Thịu, Giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà cho biết: “Hệ sinh thái ở Vườn quốc gia Cát Bà rất độc đáo, đa dạng sinh học. Theo đánh giá của các nhà khoa học đối với Vườn quốc gia Cát Bà có 4.000 loài động thực vật khác nhau, trong đó có nhiều loài đặc cấp, quý hiếm, nằm trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới. Trong suốt quá trình thành lập vườn đến nay, cán bộ, nhân viên đã làm tốt công tác quản lý, bảo vệ các loài động vật quý hiếm, nhất là với loài Voọc Cát Bà".
Không chỉ sở hữu hệ sinh thái đa dạng, thu hút đông đảo khách du lịch, VQG Cát Bà còn là nơi điển hình trong công tác bảo vệ môi trường. Ban quản lý Vườn đã phối hợp với UBND huyện Cát Hải và các cơ quan ban ngành đẩy mạnh quản lý bảo vệ tài nguyên rừng, biển, phòng chống cháy rừng và quản lý các hoạt động du lịch.
Ngoài ra, tích cực phối hợp tổ chức các chương trình, dự án bảo tồn và phát triển như: Dự án bảo tồn voọc Cát Bà của Hội Động vật về Bảo tồn loài và quần thể và Vườn thú Muenster - Đức; Chương trình bảo tồn và phát triển Cát Bà của tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế FFI; Chương trình trồng rừng ven biển, trồng rừng đền bù khí thải CO2,…
Ban quản lý Vườn cũng nghiên cứu và ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể đầu tư cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học; thường xuyên tổ chức tập huấn, hội thảo để nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ; tăng nguồn kinh phí đầu tư; hỗ trợ máy móc, thiết bị phục vụ công tác quản lý đa dạng sinh học.
Ông Nguyễn Văn Thịu cũng chia sẻ thêm, thời gian tới, Vườn sẽ tiếp tục áp dụng có hiệu quả các Luật lâm nghiệp, Luật đa dạng sinh học, Luật thủy sản cùng các văn bản của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng đối với hệ thống rừng đặc dụng. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa quyết định trong việc duy trì, phát triển bền vững, là mục đích lớn nhất của công tác bảo tồn đa dạng sinh học của Vườn cũng như Khu Dự trữ sinh quyển thế giớ
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ rừng, ngăn chặn kịp thời các tác động xâm hại đến đa dạng sinh học trên quần đảo Cát Bà.
Song song với đó, phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung tháo dỡ các công trình trên diện tích rừng đặc dụng và mặt nước để kinh doanh du lịch khi chưa được cơ quan chức năng phê duyệt và không chấp hành đúng quy định.