Tạp chí Môi trường và Cuộc sống thăm và làm việc tại huyện đảo Cát Hải, Hải Phòng
Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 23:54, 20/10/2023
Đoàn công tác của Tạp chí Môi trường và Cuộc sống do đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Bí thư Chi bộ, Tổng biên tập Tạp chí làm trưởng đoàn cùng các cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Tạp chí.
Thừa ủy quyền của lãnh đạo UBND huyện đón đoàn công tác có các đồng chí: Phạm Thị Thu Khanh, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường; đồng chí Bùi Công Trọng - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Cát Hải và đồng chí Đoàn Thanh Sơn-Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Bà.
Chia sẻ về định hướng phát triển du lịch gắn với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện đảo, bà Khanh cho biết: Du lịch hiện nay được định hướng phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Để xây dựng Cát Bà trở thành trung tâm du lịch sinh thái của cả nước và quốc tế thì việc giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp là vấn đề mà địa phương trú trọng quan tâm trong các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội từ nhiều năm qua, đặc biệt trong việc phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường.
"Chúng tôi đặc biệt chú trọng đến hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức của khách du lịch và người dân về “lối sống xanh”, bảo vệ môi trường sống, ý thức du lịch có trách nhiệm, ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa trong hoạt động du lịch, coi đây là yếu tố tiên quyết trong việc bảo vệ môi trường", Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường cho biết.
Theo bà Khanh thì để bảo đảm các mục tiêu của phát triển du lịch bền vững, bao gồm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, hiệu quả kinh tế, sự phát triển cho địa phương, bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo đảm an sinh xã hội và công bằng xã hội, hướng tới xây dựng ngành du lịch chuyên nghiệp, bền vững hơn, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững luôn được địa phương chú trọng quan tâm.
Các hoạt động được triển khai đa dạng, phong phú dưới nhiều hình thức: Tin bài trên hệ thống phát thanh, cổng thông tin điện tử, các trang mạng xã hội; các hội nghị tập huấn, tọa đàm; xây dựng các nội quy, quy chế tại các khu, điểm du lịch; các phong trào tổng dọn vệ sinh môi trường, làm sạch môi trường biển, điển hình là hoạt động Ngày toàn dân chung tay vì huyện đảo Cát Hải xanh-sạch-đẹp được tổ chức thường xuyên vào ngảy chủ nhật cuối cùng hàng tháng từ nhiều năm nay đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Bên cạnh đó, địa phương đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối các điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Xây dựng quy hoạch tổng thể của địa phương trong đó chú trọng các yếu tố bền vững. Trong quy hoạch, phải bảo đảm nguyên tắc đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nhất là giá trị các di sản, và những sắc thái văn hóa đa dạng của cộng đồng dân cư của địa phương. Bảo vệ môi trường phải được các cơ quan quản lý các cấp coi trọng và trở thành yêu cầu bắt buộc trong quy hoạch phát triển của địa phương. Bảo vệ môi trườngđược nhìn nhận dưới góc độ sức chứa của điểm đến du lịch, vừa tránh được tình trạng quá tải, vừa giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường tự nhiên.
Các công trình hạ tầng về bảo vệ môi trường như: hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thu gom nước thải, các trạm xử lý nước thải, bãi rác hợp vệ sinh được đầu tư xây dựng nhằm nâng cao năng lực xử lý chất thải đối với áp lực do hoạt động du lịch mang lại.
Ngoài ra, địa phương còn nâng cao chất lượng dịch vụ của hoạt động du lịch, sử dụng các sản phẩm thân thiện thay thế đồ nhựa dùng một lần, sử dụng phương tiện giao thông công cộng, phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu sạch…
Có thể nói, bảo vệ môi trường cho du lịch phát triển bền vững, luôn được huyện Cát Hải xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Và do đó, từ chính quyền, đến cộng đồng dân cư và khách du lịch, cần nhận thức đúng vai trò của mỗi bên, để có hành động phù hợp.
Đề cập đến vấn đề xử lý nước thải, rác thải, bảo vệ môi trường tại khu du lịch, Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng Bùi Công Trọng cho biết hiện trên địa bàn thị trấn Cát Bà có 03 trạm xử lý nước thải tập trung với tổng công suất xử lý 2.800m3/ngày, đêm gồm: Trạm xử lý nước thải Tùng Dinh 1 công suất 1.000m3/ngày, đêm; trạm xử lý nước thải Tùng Dinh số 2 công suất xử lý 1.000m3/ngày đêm và trạm xử lý nước thải tổ dân phố 7, 8, 9, 10 công suất xử lý 800m3/ngày đêm.
Tất cả các trạm xử lý nước thải trên địa bàn thị trấn đều được Ủy ban nhân dân huyện giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quản lý và vận hành. Phần lớn lượng nước thải tại phát sinh tại khu trung tâm du lịch được thu gom và đưa về xử lý tại các trạm xử lý nước thải tập trung.
Đối với các điểm du lịch như Cát Cò 1, 2, 3, các đơn vị kinh doanh Flamingo, Trường Bình Minh đều có hệ thống xử lý nước thải riêng, đảm bảo nước thải phát sinh đều được thu gom, xử lý đạt QCVN 14-2008, cột A trước khi thải ra môi trường.
Bên cạnh những kết quả tích cực, phát triển du lịch ở huyện Cát Hải trong thời gian qua đã và đang đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc bảo vệ các di sản và sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, với yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển du lịch bền vững.
Hoạt động du lịch góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng song cũng là yếu tố làm biến dạng, làm thay đổi bản sắc văn hóa và lối sống truyền thống của cộng đồng, đồng thời có không ít tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái.
Ngoài ra, kết cấu xã hội tại cộng đồng cũng có thể bị ảnh hưởng do mâu thuẫn có thể nảy sinh từ việc phân chia lợi ích từ du lịch, khoảng cách giàu nghèo tăng lên, giá đất, giá sinh hoạt thay đổi theo nhu cầu và khả năng chi tiêu của khách du lịch. Chất lượng nguồn nhân lực du lịch ở địa phương vẫn còn hạn chế và chưa đồng đều.
Mặc dù, ở nhiều điểm du lịch đã phát triển, cộng đồng địa phương được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn do cơ quan quản lý du lịch địa phương hoặc do các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tổ chức hướng dẫn; song do năng lực nhận thức còn hạn chế, thói quen, lối sống truyền thống... nên việc tiếp nhận cũng như thực hành các kỹ năng đón tiếp và phục vụ khách du lịch, khả năng ngoại ngữ... ở nhiều điểm đến còn chưa đạt yêu cầu, chưa chuyên nghiệp, làm giảm chất lượng dịch vụ của điểm đến.
Ngoài ra, kết cấu hạ tầng, giao thông đến các điểm có tiềm năng phát triển du lịch có nơi chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch, đặc biệt là các điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Cơ sở vật chất kỹ thuật (bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng...) chưa được đầu tư, làm hạn chế khả năng phát triển của điểm đến. Tất cả đang là thách thức lớn đối với sự phát triển du lịch bền vững ở địa phương.
Cũng đề cập đến vấn đề bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Bà Đoàn Thanh Sơn cho biết việc phát triển du lịch sinh thái là một trong ba chức năng, nhiệm vụ được Vườn Quốc gia Cát Bà thực hiện khá tốt, được UNESCO công nhận là một trong những khu dự trữ sinh quyển lớn nhất Việt Nam và thế giới. Du khách đến Vườn Cát Bà không chỉ được khám phá hệ sinh thái động, thực vật đa dạng mà còn có cơ hội tìm hiểu về lịch sử, văn hoá và tham gia các hoạt động ngoài trời thú vị.
"Chúng tôi đã phối hợp với Sở du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo gắn các chương trình giáo dục môi trường với các hoạt động trải nghiệm sinh thái cho học sinh các lứa tuổi trên địa bàn thành phố cũng như cả nước đến với Vườn Quốc gia Cát Bà nhằm giáo dục ý thức cộng đồng, ý thức bảo vệ môi trường cho các em học sinh, sinh viên", ông Sơn chia sẻ.
Theo ông Sơn thì việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ vườn Quốc gia Cát Bà vẫn còn hạn chế vì chưa gắn được vào các môn học, tiết học mà mới chỉ dừng ở việc trải nghiệm vào những ngày cuối tuần.
Cũng tại buổi làm việc, qua những trao đổi, chia sẻ thông tin liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, ô nhiễm, rác thải, bà Khanh đại diện chính quyền địa phương cho rằng để khắc phục những tồn tại và thách thức đang đặt ra ở Cát Hải, trong thời gian tới, địa phương tiếp tục tập trung vào một số các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy du lịch phát triển bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Hai là, tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đến các điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.
Ba là, thúc đẩy sự gắn kết, phối hợp hiệu quả giữa các ngành, các doanh nghiệp, người dân, các bên liên quan trong xây dựng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng, sinh thái, văn hóa. Có chính sách thu hút các tập đoàn lớn đầu tư, xây dựng những điểm đến du lịch mang tầm khu vực và quốc tế, từ đó tạo sức hấp dẫn và sự lan tỏa cho các điểm đến du lịch.
Bốn là, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, khai thác sản phẩm thuộc các loại hình du lịch có thế mạnh đặc thù của từng địa phương; tập trung phát triển sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch ẩm thực, du lịch mua sắm, du lịch nông nghiệp sinh thái,... Tiếp tục nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực du lịch, nhất là đối với đội ngũ quản lý, hướng dẫn viên, thuyết minh viên và nhân lực trực tiếp phục vụ khách du lịch, bảo đảm chất lượng đào tạo nghề du lịch theo tiêu chuẩn.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức của khách du lịch và người dân về “lối sống xanh”, bảo vệ môi trường sống, ý thức du lịch có trách nhiệm, ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa trong hoạt động du lịch, hướng tới xây dựng ngành du lịch chuyên nghiệp, bền vững hơn.