Giải golf từ thiện thường niên ‘Vì trẻ em Việt Nam’ – Swing for the Kids lần thứ 16 trao 300 triệu đồng cho Quỹ Khuyến học

Môi trường xã hội - Ngày đăng : 09:56, 22/10/2023

Tại gala trao giải, đại diện ban tổ chức đã trao cho đại diện Quỹ Khuyến học Việt Nam 300 triệu đồng, tài trợ kinh phí Chương trình học bổng khuyến học và hỗ trợ công tác khuyến học từ Quỹ học bổng “Vì trẻ em Việt Nam”.

Giải golf "Vì trẻ em Việt Nam" – Swing for the Kids lần thứ 16 đã được tổ chức thành công tốt đẹp với sự tham dự hào hứng của gần 250 gôn thủ đến từ các cơ quan, tổ chức ngoại giao trong nước và quốc tế, cùng đông đảo doanh nhân, nhà đầu tư nước ngoài tại sân golf BRG Kings Island Golf Resort (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Tối ngày 21/10, Gala trao giải và vinh danh các tay golf xuất sắc của Giải golf từ thiện thường niên Vì trẻ em Việt Nam - Swing for the Kids lần thứ 16 đã diễn ra tại sân golf BRG King's Island Golf Resort.

giai-thuong-1.jpg
Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, Chủ tịch Giải (bìa phải) trao cúp cho tay golf đạt Best Gross.

Có thể nói, Giải golf từ thiện thường niên Vì trẻ em Việt Nam - Swing for the Kids lần thứ 16 do Báo Đầu tư tổ chức nhằm hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đã diễn ra thành công tốt đẹp. 

Tại gala trao giải, đại diện ban tổ chức đã trao cho đại diện Quỹ Khuyến học Việt Nam 300 triệu đồng, tài trợ kinh phí Chương trình học bổng khuyến học và hỗ trợ công tác khuyến học từ Quỹ học bổng “Vì trẻ em Việt Nam”.

giai-golf-2(1).jpg
Tổng Biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh - Trưởng Ban tổ chức Giải và đồng Trưởng ban tổ chức Nguyễn Anh Tuấn trao 300 triệu đồng từ Quỹ Vì trẻ em Việt Nam cho ông Phạm Huy Hoàn, đại diện Quỹ Khuyến học Việt Nam.

Bên cạnh đó, giải đấu năm nay cũng ghi nhận số nhà tài trợ nhiều nhất, số golfer nữ tham gia giải đấu cao nhất kể từ khi Giải golf từ thiện thường niên Vì trẻ em Việt Nam được khởi xướng.

Đồng thời, tại buổi lễ trao giải golf từ thiện thường niên Vì trẻ em Việt Nam - Swing for the Kids 2023, Ban tổ chức đã thực hiện thành công chương trình Đấu giá từ thiện vật phẩm do nhà hảo tâm tặng với Giá trị lên tới 70 triệu đồng với mục đích gây quỹ xây dựng cơ sở vật chất cho lớp ghép thuộc dân tộc Chứt, một trong những dân tốc thiểu số ít người nhất Việt Nam, ở Điểm trường Bản Rào Tre (xã Hương Liên, Hương Khê, Hà Tĩnh).

giai-thuong-2.jpg
Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh (bìa trái) và ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư trao giải cho các tay golf xuất sắc.

Tộc người Chứt ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh được Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh phát hiện đầu tiên vào năm 1991. Tộc người này sống tập thể trong các hang đá trên dãy Trường Sơn; cuộc sống gần như nguyên thủy, tách biệt với thế giới bên ngoài, sống chủ yếu dựa vào săn bắt, hái lượm, không biết trao đổi sản phẩm. Tuy nhiên, sau khi được vận động của Bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương, người Chứt đã đồng ý về sống tập trung trong những căn nhà kiên cố tại bản Rào Tre, được học tiếng kinh, được hướng dẫn cách thức sản xuất, chăn nuôi và thay đổi sinh hoạt theo lối mới.

Sau 32 năm định cư ở Rào Tre (xã Hương Liên, Hương Khê, Hà Tĩnh), từ 18 nhân khẩu không nhớ được tuổi, không lưu giữ quá khứ hay ký ức về tổ tiên, giờ đây cộng đồng người Chứt đã tăng lên 47 hộ, 156 nhân khẩu. Cuộc sống người Chứt ở Rào Tre cũng đổi thay từng ngày, đã có những học sinh người Chứt ở Rào Tre đậu đại học.

Cách đây 2 tuần, Báo Đầu tư có nhận được một bức thư từ cô hiệu trưởng trường Mầm non Hương Liên- cô Đinh Thị Thanh Hòa, đơn vị phụ trách lớp ghép dân tộc Chứt Bản Rào Tre, vận động ủng hộ, tài trợ trang thiết bị và cơ sở vật chất cho các con tại điểm trường Bản Rào Tre.

Tại lớp ghép hàng năm có từ 16-20 con đang theo học. tuy nhiên điều kiện gia đình các con đều khó khăn, cha mẹ không quan tâm tới việc học tập, nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy dỗ để các con hòa nhập với cộng đồng. Mọi việc hiện nay phó thác hoàn toàn vào các thầy cô, thậm chí việc chuẩn bị 3 bữa ăn và đưa đón các con cũng do các thầy cô giáo đảm nhiệm.

Cô hiệu trưởng trường Mầm non Hương Liên- cô Đinh Thị Thanh Hòa, đơn vị phụ trách lớp ghép dân tộc Chứt Bản Rào Tre cho biết: "Hiện tại, toàn bộ việc đưa đón, chăm sóc ăn, ngủ, học tập, dạy dỗ của các con dân tộc Chứt để hòa nhập với cộng đồng đều do các thầy cô của trường đảm nhiệm. Nếu không có người đưa đón, không chuẩn bị đồ ăn thức uống thì các con cũng không tới trường và các bố mẹ người Chứt thì không quan tâm tới việc chăm sóc, dạy dỗ con cái như những dân tộc khác. Ngoài ngôi trường mới xây, cơ sở vật chất còn thiếu thốn rất nhiều, từ thiết bị dạy học, Tủ đụng đồ dùng cá nhân cho trẻ, Bếp ga và trang thiết bị bếp ăn. Giàn che nắng cho các con, đồ chơi ngoài trời,.... Rất mong quý Báo kết nối những tấm lòng hảo tâm giúp các cháu và thầy cô bớt phần khó khăn."

Buổi đấu giá được thực hiện với mục tiêu hỗ trợ các con trong học tập và hòa nhập xã hội, cũng như giúp thế hệ tương lai của dân tộc Chứt cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, từng bước xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững.

PV