Nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng 2,4 độ C trong thế kỷ này
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 19:30, 25/10/2023
Báo cáo thường niên của IEA nêu rõ: “Hiện nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch đang quá cao nên khó đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là giới hạn mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở 1,5°C”.
IEA nhấn mạnh: “Điều này sẽ không chỉ làm trầm trọng thêm tác động của khí hậu sau một năm nắng nóng kỷ lục, mà còn làm suy yếu an ninh của hệ thống năng lượng vốn được tạo ra cho một thế giới mát mẻ hơn, với ít hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn”.
Theo IEA, nếu không giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, khó có thể đạt mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt ở 1,5°C. IEA cảnh báo, nếu không có những thay đổi thực chất về chính sách trên toàn thế giới, nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể tăng khoảng 2,4°C trong thế kỷ này.
Báo cáo trên được đưa ra chỉ vài tuần trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 28 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) từ ngày 3 - 5/11 tới tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), nơi các nhà lãnh đạo thế giới sẽ tìm cách giảm phát thải và chống biến đổi khí hậu.
Trong báo cáo, IEA cũng nêu một số diễn biến tích cực như “sự gia tăng mạnh mẽ của công nghệ năng lượng sạch” như năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió, ôtô điện và máy bơm nhiệt. Ước tính, số ô tô điện lưu thông trên đường phố sẽ tăng gấp 10 lần hiện nay và công suất năng lượng Mặt Trời trên toàn thế giới sẽ tạo ra nhiều điện hơn toàn bộ công suất điện của Mỹ hiện nay.
Báo cáo cũng cho biết tỷ lệ năng lượng tái tạo toàn cầu có thể tăng lên khoảng 50% từ mức 30% hiện nay. IEA lưu ý rằng đầu tư vào các dự án gió ngoài khơi mới cao gấp 3 lần so với đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện than và khí đốt mới.