Thanh Hóa: Những dòng sông, con kênh nguy cơ bị "bức tử"

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 20:00, 29/10/2023

Sự xuất hiện của hàng loạt nhà máy, xí nghiệp lớn nhỏ, các khu dân cư đông đúc cùng với ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân chưa cao đã làm cho những con sông, kênh nước trên địa bàn tỉnh đang có nguy cơ bị “khai tử”, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân...

Sông Trà Giang “kêu cứu”

Sông Trà Giang có chiều dài khoảng 13 km, từng là một con sông có môi trường trong lành, đóng góp vào công tác tưới tiêu trên địa bàn 2 huyện Hâu Lộc và Thanh Hóa. Thế nhưng, trong vài năm trở lại đây, dòng sông này đã trở nên ô nhiễm, mất dần đi chức năng vốn có. Những biểu hiện ô nhiễm bằng cảm quan có thể thấy rõ: nước sông có màu đen, bốc mùi hôi thối; bèo phủ kín mặt nước, gây ách tắc dòng chảy; số lượng thủy sản giảm sút nghiêm trọng, không khác gì dòng sông “chết”.

anh-1.jpg
Bè tây phủ kín sông Trà Giang gây ách tắc dòng chảy

Theo ghi nhận của phóng viên, sông Trà Giang đang phải “oằn” mình tiếp nhận nhiều nguồn phát thải khác nhau đến từ các hộ dân sống 2 bên bờ. Đó là nguồn nước thải chưa được xử lý cẩn thận, lượng rác thải bị vứt bỏ không đúng quy định, tất cả các vấn đề kể trên đã và đang gây nên một sức ép không nhỏ về môi trường cho dòng sông.

Nước sông bị ô nhiễm ghê lắm, bèo, rác thải phủ kín mặt sông; nhiều đoạn sông bị tắc nghẽn, nước đổi màu đen kịt, bốc mùi tanh tưởi, hôi thối. Ngày xưa, khi nước sông còn sạch, chúng tôi còn hay rủ nhau xuống tắm, giặt giũ, câu cá,… nhưng giờ thì chịu, chỉ cần đụng vào nguồn nước này là về bị dị ứng, mẫn ngứa ngay” – anh Lê Văn B., xã Thuần Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa), bộc bạch.

anh-2.jpg
Sông Trà Giang đang phải tiếp nhận nhiều nguồn phát thải khác nhau, gây ô nhiễm nguồn nước

Cùng chung một nỗi niềm như anh B., anh Nguyễn Văn Thắng, xã Hoằng Xuyên (Hoằng Hóa, Thanh Hóa), chia sẻ: “Dòng sông này bị ô nhiễm từ nhiều năm nay, nước không chỉ chuyển sang màu đen, mà còn bốc mùi hôi thối; bèo tây, rác thải sinh hoạt phủ kín mặt sông. Không biết đơn vị nào quản lý, nhưng tôi thấy việc khắc phục tình trạng ô nhiễm chưa được triển khai có hiệu quả, mức độ ô nhiễm của dòng sông cứ tăng lên mỗi ngày, giờ nhìn chả khác gì dòng sông chết”.

anh-3.jpg
Nước sông Trà Giang đổi màu đen, bốc mùi, nguồn thủy sản cạn kiệt

Hiện trạng sông Trà Giang bị ô nhiễm đã được báo chí, dư luận phản ánh nhiều năm nay. Tuy nhiên,việc khắc phục tình trạng ô nhiễm của sông Trà Giang gặp không ít khó khăn do sông chảy qua địa phận 2 huyện Hậu Lộc và Hoằng Hóa, thêm vào đó thói quen xả rác thải xuống lòng sông của người dân.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Thuần Lộc, cho biết: “Nguyên nhân gây ô nhiễm cho sông Trà Giang thì nhiều, nhưng chủ yếu là do ý thức bảo vệ môi trường của người dân sống dọc 2 bên bờ sông còn kém; thêm tình trạng bèo tây mọc nhiều, lớp bèo này sinh sôi, lớp khác chết thối rữa gây ô nhiễm nguồn nước;… Chính quyền địa phương sẽ phối hợp với Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Bắc Sông Mã chi nhánh Hậu Lộc, triển khai các biện pháp nạo vét, vớt rác, bèo… để khơi thông dòng chảy. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn tìm mọi nguyên nhân gây ô nhiễm để xử lý”.

Rác thải phủ kín các kênh thủy lợi

Thời gian qua, mặc dù chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, quyết liệt trong việc xử lý vi phạm, nhưng tình trạng xả rác thải ra các hệ thống công trình thủy lợi, kênh mương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn tái diễn.

Ghi nhận tại hệ thống kênh thủy lợi trên địa bàn xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) không khó để bắt gặp cảnh rác thải chất đống tại các miệng cống; rác thải được xác định từ nhiều nguồn khác nhau như rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp,… Lượng rác thải lớn, không được thu gom thường xuyên, dẫn đến tình trạng dồn ứ, bốc mùi hôi thối,… “Mỗi lần đi thăm đồng, nhìn những dòng kênh đầy rác mà tôi thấy giật mình. Không biết rác thải từ đâu đổ về mà nhiều thế, nào là chai, lọ, túi bóng, vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật,… toàn những thứ khó phân hủy, cứ như thế này bảo sao môi trường không ô nhiễm?!”- một người dân xã Hoằng Thịnh, cảm thán.

anh-4.jpg
Rác thải phủ kín các miệng cống, gây ách tắc dòng chảy trên các nhánh kênh thủy lợi thuộc địa phận xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa, Thanh Hóa)

Cũng trên địa bàn huyện Hoằng Hóa, hệ thống kênh Nam với công năng cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất cho các xã ven biển, cũng đang bị ô nhiễm bởi rác và nước thải sinh hoạt không được xử lý cẩn thận của người dân sống dọc hai bên bờ kênh; đặc biệt là đoạn kênh chạy qua địa bàn thị trấn Bút Sơn.

anh-5.jpg
Kênh Nam, đoạn chảy qua địa phận thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa, Thanh Hóa)

Tại các vị trí đập của kênh Bắc: chợ Nhàng, đường sắt, Mật Sơn, mỗi ngày công nhân Công ty TNHH một thành viên thủy nông Sông Chu, đơn vị quản lý kênh Bắc đã trục vớt gần 1.800 m3 rác. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của nhân dân, ô nhiễm môi trường mà còn gây khó khăn cho việc điều tiết nước sản xuất và đe doạ về an toàn của các tuyến kênh mương.

anh-6.jpg
Rác thải nhựa chất đầy các tuyến kênh nội đồng, rất khó phân hủy, nên để lại hệ lụy cho môi trường rất lớn

Ngoài những dòng sông, con kênh bị ô nhiễm kể trên, danh sách sẽ còn dài hơn nữa với những cái tên đã được báo chí nhắc tới nhiều trong thời gian qua: Sông Mã, với việc bị hàng loạt nhà máy chế biến lâm sản “đầu độc”; sông nhà Lê bị “bức tử” do nước thải từ việc chế tác đá tại các làng nghề của xã Quảng Thắng (TP Thanh Hóa);…

Bài toán để đưa những dòng sông, con kênh đang “hấp hối” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được “hồi sinh” sẽ khó có lời giải trong ngày một ngày hai. Đặc biệt, chúng ta chưa cân bằng được hai vấn đề tiên quyết: quyền lợi về kinh tế và trách nhiệm với môi trường. Để thực hiện được điều đó, những người làm công tác môi trường phải thực sự quyết tâm với những kế hoạch, bước đi hài hòa nhưng phải triệt để của mình.

Thiết nghĩ, điều chúng ta có thể làm nhanh nhất là tự nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân trong vấn đề bảo vệ môi trường nước; đồng thời kêu gọi, tuyên truyền, lan tỏa tinh thần này tới những người xung quanh. Đối với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, cần tích cực hơn nữa trong công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân; đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm môi trường và sát sao trong việc xử lý rác thải...

Nguyễn Trường