Bến Tre công bố tình huống khẩn cấp sạt lở, xâm thực bờ biển huyện Ba Tri
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 15:37, 30/10/2023
Khu vực sạt lở, xâm thực nghiêm trọng trên địa bàn xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, với tổng chiều dài khoảng 4,7 km, gồm 2 đoạn. Đoạn 1, từ vị trí tiếp giáp kè bê tông - điểm du lịch Cồn Nhàn đến cửa Rạch Tràng Nước (hướng từ kè bê tông nhìn ra biển phía bên trái), có chiều dài khoảng 1,7 km. Mức độ sạt lở nghiêm trọng, cần có các giải pháp công trình bền vững để xử lý, khắc phục sạt lở.
Đáng chú ý, trường hợp xảy ra sự cố sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến các điểm du lịch, nhà ở, đất đai, hoa màu của các hộ dân sinh sống bên trong; có nguy cơ gây xói lở, hư hỏng đoạn kè bê tông tiếp giáp. Đoạn 2, từ vị trí tiếp giáp kè bê tông- điểm du lịch Cồn Nhàn đến cửa Rạch Đường Tắc (hướng từ kè bê tông nhìn ra biển phía bên phải) có chiều dài khoảng 3 km; trong đó, có trên 1 km hiện đang bị xói lở, xâm thực mạnh, nhất là khu vực tiếp giáp với công trình kè bê tông.
Hiện khu vực sạt lở làm ảnh hưởng trực tiếp đến 115 hộ dân; 15 căn nhà ở bị ảnh hưởng (sập hoàn toàn 4 căn và phải di dời đến nơi an toàn 11 căn); hư hỏng hoàn toàn 100 m đường bê tông; sạt lở hoàn toàn 650 m bờ bao. Diện tích đất bị ảnh hưởng khoảng 535 ha; trong đó, riêng đất rừng phòng hộ ven biển từ năm 2004 đến nay mất 16 ha và thiệt hại hoàn toàn 45 ha hoa màu của người dân.
Theo đó, tỉnh Bến Tre áp dụng các biện pháp khẩn cấp để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra như sơ tán khẩn cấp người, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở nguy hiểm.
Ngành chức năng tỉnh thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, bố trí cán bộ trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở. Đồng thời, thực hiện các biện pháp xử lý bước đầu để hạn chế sạt lở; tổ chức lập phương án xử lý cấp bách, phê duyệt phương án và huy động lực lượng, vật tư xử lý cấp bách theo quy định của pháp luật để đảm bảo an toàn công trình, tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.
UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu UBND huyện Ba Tri chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp để ứng phó và khắc phục hậu quả sạt lở theo quy định. Cùng đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp, hỗ trợ địa phương trong công tác ứng phó, xử lý, khắc phục sạt lở; thực hiện các quy định về phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó thiên tai theo quy định tại Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Bến Tre phối hợp với UBND huyện Ba Tri và các đơn vị có liên quan tổ chức lập phương án xử lý khẩn cấp sạt lở đúng theo quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.
Trước đó, Bến Tre được Thủ tướng Chính phủ bổ sung 300 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 để bố trí cho các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, gồm dự án sạt lở sông bờ sông Giao Hòa, huyện Châu Thành khoảng 100 tỷ đồng và dự án sạt lở bờ biển khu vực Cồn Ngoài, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, khoảng 200 tỷ đồng.