Còn nhiều bất cập trong công tác phòng, chống thiên tai tại Quảng Ngãi
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 19:00, 30/10/2023
Theo đánh giá của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Ngãi, phương án PCTT của một số địa phương, đơn vị còn hình thức và sơ sài. Công trình thủy điện đang thi công nhưng phương án PCTT lại không có biện pháp bảo đảm an toàn, không có kịch bản ứng phó tại các vị trí xung yếu, có nguy cơ bị sạt lở để đảm bảo an toàn về người và thiết bị thi công... Một số địa phương, đơn vị chưa xác định rõ tình huống thiên tai chủ đạo, nên xây dựng kịch bản ứng phó chưa sát với điều kiện thực tế. Vậy nên, khi mưa lớn kéo dài, chính quyền nhiều địa phương chỉ tập trung phòng tránh ngập lụt, chứ không tính đến phương án sạt lở đất, núi.
Ông Bùi Đức Thái, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Ngãi cho biết, để hạn chế rủi ro và thiệt hại do thiên tai, trước hết phải xác định các loại hình thiên tai chủ đạo trên địa bàn và giải pháp phòng tránh phù hợp. Trên cơ sở đó, chính quyền và cơ quan chức năng tăng cường phổ biến kiến thức, kỹ năng cũng như đa dạng hóa các hình thức về PCTT, đặc biệt là diễn tập PCTT cho từng nhóm cộng đồng. Ngoài ra, hiệu quả của công tác PCTT phụ thuộc vào việc đảm bảo nguồn lực kịp thời, trong khi các địa phương, đơn vị chỉ sử dụng ngân sách dự phòng, mà chưa chú ý đến Quỹ PCTT đã được trích lập và phân cấp. Chính vì vậy, việc đầu tư trang thiết bị PCTT cũng như khắc phục hậu quả thiên tai chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.
Để khắc phục thực trạng này, các đơn vị, ngành chức năng của tỉnh Quảng Ngãi đã tìm các phương án đáp ứng hiệu quả tình hình thực tế. Cụ thể: Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cũng đã xây dựng phương án PCTT tương ứng với thực tế hoạt động của 22 hồ chứa lớn và vừa, trong đó có hồ chứa nước Nước Trong với dung tích gần 290 triệu mét khối. Ngoài việc sẵn sàng các loại vật tư, thiết bị, phương tiện, nhu yếu phẩm phục vụ công tác PCTT, phương án PCTT cũng thể hiện chi tiết kịch bản xử lý cụ thể cho từng công trình, vị trí xung yếu. Đồng thời, xác định rõ người chỉ huy tại chỗ, lực lượng thường trực và hỗ trợ để ứng phó với các tình huống, sự cố công trình... Riêng các hồ chứa Núi Ngang, Diên Trường và Liệt Sơn, công ty chuyển thông tin từ camera giám sát hồ chứa cho các địa phương có liên quan để phối hợp theo dõi, hỗ trợ.
Trước mùa mưa bão, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) xã Bình Minh, huyện Bình Sơn phân công thành viên về các thôn để rà soát, lập danh sách những hộ dân có nhà ở chưa đảm bảo an toàn, sống ở vùng có nguy cơ ngập sâu do mưa lớn; đồng thời khảo sát các công trình, nhà dân đảm bảo an toàn để phục vụ công tác sơ tán, di dời dân tập trung.
Ngoài việc đánh giá cụ thể từng khu vực, phân công lực lượng xung kích PCTT ứng trực tại các thôn, xã cũng nhắc nhở người dân chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm đủ dùng từ 7 - 10 ngày phòng khi mưa bão, lũ lụt kéo dài. Chủ tịch UBND xã Bình Minh Nguyễn Văn Thăng cho biết, xã cũng xác định hiệu quả của PCTT là mọi người tự ứng cứu lẫn nhau, cộng đồng người dân tương trợ lẫn nhau. Vì vậy, cùng với phương châm “4 tại chỗ”, xã tuyên truyền người dân chung tay thực hiện “tự quản tại chỗ” nhằm bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản khi xảy ra những sự cố, rủi ro thiên tai. Sự chủ động của người dân, cộng với phương án PCTT cụ thể, kịch bản ứng phó chi tiết tương ứng với các loại hình, mức độ thiên tai đã góp phần giảm thiểu thiệt hại.