Tân Hóa-làng du lịch thích ứng thời tiết
Môi trường du lịch - Ngày đăng : 17:30, 31/10/2023
Được định hướng phát triển theo mô hình làng du lịch thích ứng với thời tiết, cung cấp các trải nghiệm đa dạng cho du lịch từ homestay, trải nghiệm công việc làm nông, ăn uống tại nhà dân, xã miền núi Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) được vinh danh "Làng du lịch tốt nhất thế giới".
Việc Tân Hóa được vinh danh "Làng du lịch tốt nhất thế giới" sẽ mở ra một cơ hội lớn để Tân Hóa vững bước ra thế giới và từng bước trở thành điểm sáng của du lịch Việt Nam, từng bước xây dựng làng du lịch Tân Hóa thành mô hình du lịch thích ứng thời tiết kiểu mẫu ở Việt Nam và là mô hình cho khu vực Đông Nam Á.
Tân Hóa là một xã miền núi vùng sâu của huyện Minh Hoá, Quảng Bình có diện tích 71,8 km², với dân số 3.364 người, đa số đều là người Nguồn. Tân Hóa ở giữa các dãy núi đá vôi, có nhiều hệ thống hang động được kiến tạo qua hàng triệu năm, hằng năm nơi đây thường xảy ra lũ lụt, có năm phải gánh chịu 3-4 đợt thiên tai.
Trước đây cứ đến mùa mưa lũ, người dân làng Tân Hóa phải lên núi trú tránh, tuy nhiên giờ đây đã có nhà phao, người dân vừa có thể sống chung với lũ vừa mở hướng phát triển du lịch thích ứng thời tiết.
Trận lũ lịch sử năm 2010 với mức nước dâng cao 12m đã nhấn chìm hầu hết các ngôi nhà, người dân phải sơ tán lên núi chờ nước rút, từ đó Tân Hóa được mệnh danh là "vùng rốn lũ".
Sau trận lũ lịch sử, người dân đã có sáng kiến làm bè phao để "sống chung với lũ", rồi từ đó cải tiến thành nhà nổi, có mái, vách thưng che mưa nắng tuy nhiên do điều kiện khó khăn, lượng nhà có rất ít.
Năm 2015, Công ty Chua Me Đất (Oxalis) đã gây quỹ xây dựng nhà nổi cho những hộ dân khó khăn. Tính đến năm 2023, gần 620 căn nhà nổi đã được xây dựng ở xã Tân Hóa, bảo đảm 100% các hộ dân có thể thích ứng, an toàn và sống chung với lũ.
Khi mùa mưa đến, các gia đình dự trữ nhu yếu phẩm trên nhà nổi đủ cho khoảng 7-10 ngày. Vào những ngày lũ, người dân sẽ lùa đàn gia súc lên núi, hằng ngày họ chèo thuyền đi cắt cỏ cho trâu bò ăn, cuộc sống của người dân diễn ra bình thường và thích ứng với mọi điều kiện thời tiết.
Đến làng du lịch thích ứng với thời tiết
Trước đây, người dân Tân Hóa chủ yếu làm nông, nương rẫy, chăn nuôi gia súc. Tuy nhiên từ năm 2011, khi Quảng Bình cấp phép khảo sát và thử nghiệm các tour du lịch khám phá, đặc biệt năm 2014, hang động Tú Làn được chính thức đưa vào khai thác du lịch thì cộng đồng người dân Tân Hóa bắt đầu tham gia hoạt động du lịch.
Việc phát triển mô hình du lịch tại Tân Hóa đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 120 lao động địa phương. Người dân được tập huấn và đào tạo để trở thành đầu bếp, trợ lý giám sát an toàn và nhân viên khuân vác phục vụ khách du lịch trong các tour khám phá Tú Làn.
Với mức thu nhập từ 6-8 triệu đồng cho 14-16 ngày làm việc mỗi tháng, người dân vừa có thể hợp tác với doanh nghiệp để phục vụ khách du lịch vừa có thời gian làm công việc nương rẫy để tăng thêm thu nhập.
Để phát triển du lịch, vừa qua, 10 cơ sở lưu trú homestay đã được triển khai thử nghiệm và sẽ đi vào khai thác chính thức vào tháng 11/2023. Dự kiến, mỗi hộ gia đình sẽ bố trí khách nghỉ từ 15-20 đêm mỗi tháng, thu nhập dự kiến từ 9-12 triệu/tháng.
Homestay được xây dựng theo mô hình nhà nổi. Khi có lụt, homestay sẽ nổi lên, đây là cơ hội để du khách trải nghiệm cuộc sống bản địa.
Anh Trương Bá Hoàng, chủ một homestay tại Tân Hóa cho biết, ban đầu dù khá bỡ ngỡ với loại hình kinh doanh mới này song nhờ được tập huấn chu đáo nên sẽ từng bước cố gắng để chung tay đưa Tân Hóa dần trở thành điểm đến đáng nhớ của du khách. Nhờ có homestay, gia đình anh vừa có thêm thu nhập, mỗi mùa mưa lũ cũng an tâm hơn trước.
Ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho hay, nhằm từng bước đưa Tân Hóa trở thành trung tâm du lịch trọng điểm phía tây bắc, UBND tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với đơn vị du lịch xây dựng chiến lược phát triển từng bước vững chắc cho Tân Hóa. Người dân địa phương không chỉ tham gia vào hoạt động du lịch mà còn làm chủ các dịch vụ mà họ cung cấp cho khách du lịch.
Các bước xây dựng sản phẩm du lịch khám phá hệ thống hang động Tú Làn, sản phẩm tour lái xe mô tô địa hình khám phá rừng Lim và các sản phẩm khác nhằm từng bước đa dạng hóa các dịch vụ dành cho khách du lịch.
Tân Hóa được định hướng phát triển theo mô hình làng du lịch thích ứng với thời tiết, cung cấp các trải nghiệm đa dạng cho du lịch từ homestay, trải nghiệm công việc làm nông, ăn uống tại nhà dân…
Định hướng trong tương lai, sẽ từng bước xây dựng làng du lịch Tân Hóa thành mô hình du lịch thích ứng thời tiết kiểu mẫu ở Việt Nam và là mô hình cho khu vực Đông Nam Á.
Ngoài việc xây dựng các sản phẩm du lịch thích ứng với các điều kiện thời tiết, thì đây cũng sẽ là mô hình liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp và cộng đồng. Doanh nghiệp hỗ trợ tiếp thị, kinh doanh trong khi cộng đồng tạo thêm giá trị bền vững để cùng nhau phát triển, từng bước hoàn thiện và đa dạng hóa các dịch vụ, trải nghiệm để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, Tân Hóa có cảnh quan thiên nhiên đẹp và độc đáo. Mô hình nhà nổi tránh lũ ra đời và trở thành mô hình lưu trú vừa bảo đảm an toàn dân sinh, vừa phục vụ trải nghiệm khác biệt của du khách. Các sản phẩm du lịch nơi đây được xây dựng hoàn toàn dựa vào thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên.
Việc Tân Hóa được vinh danh "Làng du lịch tốt nhất thế giới" sẽ mở ra một cơ hội lớn để Tân Hóa vững bước ra thế giới và từng bước trở thành điểm sáng của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển du lịch, Tân Hóa cần phải giữ được bản sắc văn hóa làng quê Việt Nam, không phá vỡ không gian sống xanh", lãnh đạo tỉnh Quảng Bình khẳng định.