Quốc hội dành cả ngày thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 10:58, 03/11/2023

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội dành cả ngày 3/11 để thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
quoc-hoi.jpg
Quốc hội thảo luận tại Nghị trường. Ảnh: TTXVN

Đầu phiên thảo luận buổi sáng, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Sau khi các đại biểu Quốc hội thảo luận, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Tiếp thu các ý kiến góp ý, dự thảo Luật đã làm rõ nguyên tắc định giá đất, giá đất thị trường, căn cứ định giá, thông tin đầu vào để xác định giá và các phương pháp định giá đất; bổ sung quy định về tư vấn thẩm định giá đất.

Theo đó, việc định giá đất phải bảo đảm các nguyên tắc: Phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất; bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch; tính độc lập trong các khâu xác định giá đất, thẩm định giá đất, quyết định giá đất.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định cụ thể trường hợp thu hồi đất đối với các loại công trình công cộng từng lĩnh vực; thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan Nhà nước, công trình sự nghiệp và một số trường hợp thật cần thiết khác; đồng thời, rà soát, làm rõ hơn các trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh tại Điều 78; các trường hợp thu hồi đất do vi phạm để phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan như Luật Đầu tư, các luật về thuế, làm rõ hành vi của cơ quan quản lý hoặc của người vi phạm tại Điều 81.

Dự thảo Luật đã bổ sung quy định phân cấp thẩm quyền thu hồi đất cho Ủy ban nhân dân cấp huyện không phân biệt người sử dụng đất là tổ chức hay cá nhân trừ trường hợp thu hồi đất quốc phòng, an ninh. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất quốc phòng, an ninh sau khi có văn bản chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.

Trường hợp không thống nhất ý kiến, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Việc quy định như dự thảo Luật nhằm đảm bảo thống nhất với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao trách nhiệm địa phương, giảm thủ tục hành chính và có cơ chế giải quyết các trường hợp đặc thù khi chưa đạt được đồng thuận hoặc có vướng mắc trong tổ chức thực hiện.

Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu, tiếp thu quy định cụ thể, luật hóa một số quy định trong các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai hiện hành đã được thực tế chứng minh là phù hợp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất thu hồi, tạo sự đồng thuận, giảm khiếu kiện; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong tổ chức thực thi.

Theo TTXVN