Xây dựng Mô hình quản lý và Bảo vệ môi trường dựa vào cộng đồng
Tin hoạt động Hội - Ngày đăng : 09:33, 04/11/2023
Đoàn công tác của Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam do TS. Nguyễn Linh Ngọc – Chủ tịch Hội dẫn đầu. Cùng đi với đoàn còn có bà Phạm Thị Xuân – Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội; ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch Hội, Bí thư Chi bộ, Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống; bà Đỗ Thị Hướng Dương, Chánh Văn phòng Hội.
Tiếp đoàn công tác về phía Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên có ông Nguyễn Văn Phú - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên; ông Trần Đăng Anh – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên cùng các cán bộ phòng ban chuyên môn.
Theo thống kê, tổng lượng nước thải xả vào hệ thống Bắc Hưng Hải năm 2022 khoảng 438.899 m3/ngày.đêm; trong đó, chủ yếu là nước thải sinh hoạt của các khu đô thị, khu dân cư tập trung (chiếm tỷ lệ khoảng 70%); các loại nước thải còn lại, gồm: công nghiệp phát sinh từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khoảng 18% và nông nghiệp, làng nghề, y tế khoảng 12%.
Từ thực trạng môi trường nước thải trên địa bàn các tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và yêu cầu đặt ra trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 đối với công đồng dân cư, việc triển khai: Đề án Xây dựng Mô hình quản lý và Bảo vệ môi trường dựa vào cộng đồng là cần thiết.
Mục tiêu của đề án đặt ra là lựa chọn được các phương án xử lý có chi phí phù hợp cho các hộ gia đình và phương án xử lý có hiệu quả cao cho các điểm xử lý tập trung; Xây dựng được các phương thức phân loại rác sinh hoạt tại nguồn, tiết kiệm tài nguyên thông qua tái chế, tái sử dụng; Xây dựng phương pháp luận về truyền thông môi trường, sổ tay hướng dẫn truyền thông môi trường, trang bị kiến thức chuyên môn cho các cộng tác viên truyền thông môi trường. Xây dựng một mô hình truyền thông môi trường thí điểm ở cấp xã về tuyên truyền vận động và giáo dục môi trường cho cộng đồng để cùng tham gia quản lý và bảo vệ môi trường.
Đề án được triển khai trên địa bàn xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Đối tượng của Đề án là "Cộng đồng dân cư và các doanh nghiệp".
Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã sớm quan tâm, nên ngay từ đầu năm 1994 Luật bảo vệ môi trường được ban hành đã chính thức pháp lý hoá công tác bảo vệ môi trường. Điều 6 Luật bảo vệ môi trường đã quy định rõ: “ Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn dân. Tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường, thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường, có quyền và trách nhiệm phát hiện và tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ”, hay một nội dung quan trọng trong Điều 43 của Luật cũng nêu rõ: “ … Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường hoặc cơ quan khác của Nhà nước có những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường… ”.
Sự tham gia của cộng đồng vào bảo vệ môi trường không chỉ tạo thêm nguồn lực tại chỗ cho công tác bảo vệ môi trường mà còn là lực lượng đóng góp, cung cấp thông tin, giám sát môi trường nhanh và hiệu quả, giúp giải quyết kịp thời các vấn đề môi trường ngay từ khi mới xuất hiện, nhất là các vấn đề môi trường liên quan trực tiếp đến số đông dân cư, ảnh hưởng đến cuộc sống của cộng đồng như ô nhiễm môi trường không khí, đất, nước, sự cố môi trường, rác thải…
Hệ thống Bắc Hưng Hải được khởi công xây dựng từ năm 1958, có tổng độ dài dòng chính là 232 km và trên 2000 km dòng nhánh và kênh các loại cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh của 4 tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Tuy nhiên, cùng với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa phát triển nhanh, hệ thống Bắc Hưng Hải đảm nhận thêm chức năng tiếp nhận nguồn nước thải dân sinh, nước thải từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, bệnh viện, làng nghề, chăn nuôi...với lưu lượng ngày càng lớn. Diện tích toàn bộ lưu vực là 192.045 ha, bao gồm 10 huyện, thành phố của tỉnh Hưng Yên với 79.480 ha; 07 huyện, thành phố của tỉnh Hải Dương với 69.560 ha; 03 huyện của tỉnh Bắc Ninh với 26.020 ha và 02 quận, huyện của thành phố Hà Nội với 10.540 ha. Nguồn nước tưới được lấy từ sông Hồng chủ yếu qua cống Xuân Quan, từ sông Thái Bình qua cống Cầu Xe, Cầu Cất, từ sông Luộc qua cống An Thổ. Nước tiêu tự chảy qua các cống Cầu Xe, An Thổ, Cầu Cất và tiêu chủ động qua các trạm bơm kết hợp tưới - tiêu trực tiếp ra các sông lớn tại những vùng hẹp ven các sông Đuống, Luộc, Thái Bình.