Khánh Hòa tăng cường biện pháp bảo vệ chim hoang dã, di cư

Đa dạng sinh học - Ngày đăng : 13:30, 07/11/2023

UBND tỉnh Khánh Hòa đã có công văn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tăng cường biện pháp bảo tồn chim hoang dã, di cư; đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Những năm qua, công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư cho nhân dân của các cấp chính quyền ở các địa phương đã được nâng cao. Công tác kiểm tra ngăn chặn tình trạng săn bắt chim di cư trái phép của các ngành chức năng đã triển khai quyết liệt, thường xuyên. Tuy nhiên, hiện tượng săn bắt, vận chuyển, buôn bán chim di cư trái phép vẫn còn xảy ra ở một số địa phương gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác bảo tồn các loài chim di cư.

chim-hoang-da-di-cu.jpg
Ảnh minh họa

Để ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng săn bắt, bẫy, mua, bán động vật hoang dã, chim di cư trái pháp luật. UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, cơ quan này đã có công văn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tăng cường biện pháp bảo tồn chim hoang dã, di cư; đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Được biết, lực lượng chức năng của huyện Cam Lâm đi kiểm tra các khu vực thường xảy ra tình trạng săn bắt, mua bán chim hoang dã, chim di cư tại địa phương. Trên cánh đồng Tân Sinh Đông (xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm), vẫn còn tình trạng người dân giăng lưới khắp đồng để bắt chim trời.

Chim trời là đặc sản của một số quán nhậu nên người giăng lưới bắt được bao nhiêu đều có nơi tiêu thụ. Chim trời được các nhà hàng đặc sản đồng quê thu mua có giá khoảng 220.000 đồng/kg; gà nước khoảng 350.000 đồng/kg; le le, vịt trời tự nhiên hơn 1 triệu đồng/kg. Ngoài bán cho các nhà hàng, quán nhậu, một số thời điểm, chim trời còn bày bán công khai ở một số tuyến đường trên địa bàn TP. Nha Trang, như: Lê Thánh Tôn, Nguyễn Trãi,…

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Cam Lâm, đơn vị đã tiến hành kiểm tra, tháo gỡ lưới bẫy chim tại các cánh đồng, các khu vực trọng điểm về vận chuyển, mua bán chim hoang dã, chim di cư, như: Tuyến Quốc lộ 1, đoạn từ xã Cam Hải Tây đến thị trấn Cam Đức; tuyến Tỉnh lộ 9, đoạn qua xã Cam Phước Tây, tuyến đường Lập Định - Suối Món, tuyến đường liên xã Cam Thành Bắc - Cam Hiệp Nam. Bên cạnh đó, đơn vị này còn tiến hành kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn các quán ăn, nhà hàng, cơ sở buôn bán sinh vật cảnh ký cam kết không mua bán, trưng bày, quảng cáo mẫu vật động vật hoang dã không có nguồn gốc hợp pháp; xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Khánh Hòa cũng có văn bản yêu cầu Chi cục kiểm lâm tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không săn, bắn, giết, nuôi nhốt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh có nguồn gốc từ chim hoang dã, di cư.

Hoạt động săn, bắt tận diệt, hủy hoại môi trường sống tự nhiên dẫn đến việc thay đổi môi trường sống và hệ sinh thái, làm suy giảm số lượng, thành phần các loài chim hoang dã, di cư, một số loài chim di cư đã không còn xuất hiện trong các mùa chim di cư đến Việt Nam. Chính vì thế, mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương, người dân cần nâng cao vai trò trách nhiệm, góp phần hạn chế những nguyên nhân gây suy giảm đa dạng sinh học các loài chim hoang dã, di cư.

Tố Cẩm