Vấn đề về nước sẽ là chủ đề chính tại Hội nghị COP28
Nước và cuộc sống - Ngày đăng : 07:25, 08/11/2023
Trong bối cảnh thế giới ngày càng lo ngại về tác động của biến đổi khí hậu, COP28 được ví như “chìa khóa” then chốt cho tương lai của môi trường thế giới.
Theo đặc phái viên của Chính phủ Hà Lan, bà Meike van Ginneken cho biết các vấn đề về nước sẽ là chủ đề chính tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28) diễn ra từ ngày 30/11 tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Hà Lan, quốc gia với khoảng 25% lãnh thổ nằm dưới mực nước biển, cùng với Tajikistan được chỉ định là bên điều phối các cuộc đàm phán về nước tại Hội nghị COP28.
Phát biểu bên lề Hội nghị Aquatech về công nghệ liên quan đến nước tại Amsterdam (Hà Lan), bà Ginneken cho biết các cuộc đàm phán về nước trong COP28 sẽ tập trung vào rủi ro và cơ hội liên quan đến nước, trong các lĩnh vực từ nông nghiệp đến phòng chống thiên tai.
Theo bà, các cuộc đàm phán trong khuôn khổ hội nghị sẽ chú trọng thảo luận 3 vấn đề, gồm bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái nước ngọt; đảm bảo người dân sinh sống tại các thành phố có quyền tiếp cận nguồn nước chất lượng tốt và được bảo vệ khỏi các mối nguy hiểm về nước; nâng cao khả năng chống chịu của hoạt động sản xuất lương thực trước tình trạng nước biển dâng, lũ lụt và hạn hán.
Bà Ginneken cho biết việc COP28 tăng cường thảo luận các vấn đề về nước là minh chứng cho thấy các bên liên quan đang tìm cách giải quyết hậu quả của biến đổi khí hậu. Bà nhấn mạnh con người không thể thích ứng với việc Trái Đất ngày càng nóng lên nếu không thay đổi cách quản lý nguồn tài nguyên nước.
Số liệu từ Liên hợp quốc cho thấy Trái Đất đã mất khoảng 85% diện tích đất ngập nước trong vòng 300 năm qua. Viện Tài nguyên Thế giới có trụ sở ở Mỹ ước tính có tới 4 tỷ người trên thế giới phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước ít nhất một tháng mỗi năm.
Những năm qua, các hội nghị COP đã nỗ lực khắc phục tình trạng Trái Đất nóng lên quá mức nghiêm trọng và không thể ngăn chặn. Năm 2015, các nhà lãnh đạo thế giới đã ký Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu nhằm giới hạn mức tăng nhiệt toàn cầu ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp