Khoáng sản titan: Cần có quy hoạch để khai thác, chế biến và sử dụng hiệu quả

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 02:52, 16/03/2018

(Moitruong.net.vn)– Việc đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu quặng titan cùng với quy hoạch khai thác, chế biến, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản titan ở nước ta là rất cần thiết và cấp bách. Bởi nó vừa gia tăng đáng kể giá trị, vừa bảo vệ tài nguyên, góp phần phát triển bền vững nền kinh tế và công nghiệp khai khoáng ở nước ta.

Khai thác, chế biến và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên khoáng sản titan

Hiện trạng khai thác, chế biến

Nước ta được coi là quốc gia có nguồn tài nguyên titan lớn, nhưng số lượng khai thác từ trước tới nay đã hàng chục triệu tấn, nhiều mỏ, điểm mỏ đã khai thác hết nhưng chưa làm thủ tục đóng cửa mỏ. Các khu vực giàu quặng về cơ bản đã khai thác chỉ còn những khu vực chồng lấn, khó khai thác và không hiệu quả kinh tế. Tài nguyên còn lại hầu hết là tài nguyên dự tính cấp 333 và tài nguyên 334a với hàm lượng và chất lượng quặng thấp.

Bên cạnh đó, công nghệ khai thác và tuyển khoáng về cơ bản ở nước ta đều tương tự nhau, đó là công nghệ khai thác bằng sức nước kết hợp với máy xúc, máy gạt, tuyển bằng phân ly côn, tuyển vít đứng và tuyển từ. Các nhà máy khai thác titan hiện nằm rải rác ở các địa phương tập trung trữ lượng titan lớn như Bình Thuận, Bình Định, Thái Nguyên, Huế, Quảng Nam, Quảng Trị… Việc nhà máy titan dừng hoạt động kéo theo khoảng 70% lao động ngành khai thác, chế biến titan bị mất việc.

Hầu hết các doanh nghiệp chỉ được cấp phép khai thác tận thu với giấy phép 1- 4 năm không có dây chuyền tuyển tinh, không có hệ thống nghiền mịn zircon và tất nhiên là không có chế biến sâu quặng titan. Chính vì vậy, hệ quả là trong nhiều năm qua giá bán zircon chỉ bằng 50% giá thế giới. Trước tình hình đó, năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định cấm xuất thô titan, buộc các doanh nghiệp có giấy phép khai thác chế biến phải đầu tư công nghệ hiện đại chế biến sâu quặng titan.

Triển vọng phát triển

Bộ Công thương đã trình và được Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét tới năm 2030”. Quy hoạch thể hiện rõ quan điểm phát triển ngành, nhằm đến mục tiêu đến năm 2020 sẽ hình thành thành ngành công nghiệp titan với các sản phẩm chế biến sâu quặng titan đến pigment và titan xốp; đảm bảo nhu cầu trong nước về pigment; xuất khẩu các sản phẩm xỉ titan, titan xốp, muối zircon oxychloride.

Đến năm 2030 phát triển ngành công nghiệp titan ổn định và bền vững với Trung tâm khai thác, chế biến quặng titan quy mô lớn, công nghệ tiên tiến tại Bình Thuận. Tập trung và ưu tiên phát triển các sản phẩm pigment, titan xốp, titan kim loại và titan hợp kim phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Những năm gần đây, do thị trường tiêu thụ titan trên thế giới tăng mạnh, việc khai thác sa khoáng titan ở Việt Nam trở nên sôi động. Tại các tỉnh miền Trung, trên 40 đơn vị đã tổ chức khai thác ở 38 khu mỏ, 18 xưởng tuyển tinh quặng ra đời với hơn 2 triệu tấn quặng được khai thác. Đánh giá về sự phát triển lâu dài của việc khai thác, chế biến và xuất khẩu titan ở Việt Nam, các chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng, tài nguyên quặng sa khoáng titan ở Việt Nam rất lớn, đảm bảo đủ cơ sở để xây dựng các khu công nghiệp khai thác, chế biến hiện đại, phát triển ổn định lâu dài.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2016 – 2020 sẽ hình thành ngành công nghiệp khai thác, chế biến quặng titan với các sản phẩm chính là xỉ titan, gigment, titan xốp, titan kim loại. Đồng thời, sẽ xây dựng phát triển tỉnh Bình Thuận trở thành trung tâm công nghiệp khai thác, chế biến quặng titan với quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu trong nước và tham gia xuất khẩu.

Để phục vụ việc phát triển khai thác titan trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất với Chính phủ quy hoạch thăm dò khai thác quặng sa khoáng titan trong tầng cát đỏ tại khu vực Lương Sơn, tỉnh Bình Thuận với diện tích 150 km2. Đây được coi là những động thái nhằm phát triển ngành công nghiệp titan một cách bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Linh Lan (T/h theo TTXVN)