Propak 2023 kết nối ngành công nghệ xử lý, chế biến và đóng gói bao bì giữa Việt Nam và thế giới
Kinh tế - Ngày đăng : 14:01, 08/11/2023
Sáng ngày 8/11/2023 tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Sài Gòn (SECC) Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh chính thức khai mạc Triển Lãm Quốc Tế Lần Thứ 16 về công nghệ xử lý, chế Biến và đóng gói tại Việt Nam.
Sự kiện sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 8/11-10/11/2023 là nơi để các doanh nghiệp ngành bao bì tìm kiếm máy móc, thiết bị, công nghệ đột phá mới nhằm tân tạo dây chuyền sản xuất, tối ưu hóa quy trình chế biến và đóng gói, mở rộng sản xuất, đồng thời đáp ứng các nhu cầu về phát triển bền vững.
Theo chia sẻ của ông BT Tee - Tổng Giám đốc Công ty Informa Markets Việt Nam - Đơn vị tổ chức ProPak Vietnam: “Trong những năm qua, ngành chế biến, đóng gói thực phẩm và đồ uống đã phát triển mạnh mẽ nhờ sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, các ứng dụng giao hàng, cùng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia. Bên cạnh lợi ích kinh tế, sự phát triển này đặt ra nhu cầu cấp bách về việc bảo vệ tài nguyên và môi trường, khi Việt Nam đang đối mặt với thách thức phải xử lý lượng rác thải ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) gia tăng đột biến. Nhiều nhà sản xuất lớn đang nỗ lực mạnh mẽ để sáng chế ra các công nghiệp, vật liệu và thiết kế mới tạo ít chất thải hơn, có khả năng tái chế cao, giá thành thấp và quy trình đơn giản hơn. Đây cũng chính là vai trò của triển lãm: mang đến những công nghệ tiên tiến, cập nhật nhất giúp cải tiến quy trình sản xuất cho doanh nghiệp. ProPak Vietnam đã đồng hành không ngừng nghỉ cùng sự phát triển của ngành công nghiệp đóng gói kể từ năm 2003. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục sứ mệnh của mình vì tương lai của ngành công nghiệp chế biến, đóng gói bao bì Việt Nam.”
Bao bì là một trong những ngành công nghiệp quan trọng trong việc bảo quản, vận chuyển và phân phối hàng hóa. Market Research Future dự báo tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) cho thị trường toàn cầu của bao bì nhựa là 3,6%, bao bì giấy là 4,7% trong giai đoạn 2023 - 2030. Theo Mordor Intelligence, thị trường bao bì nhựa Việt Nam dự kiến sẽ tăng từ 10,07 triệu tấn vào năm 2023 lên 15,09 triệu tấn vào năm 2028, với mức tăng trưởng hàng năm trung bình đạt 8,44% (2023 - 2028). Trong đó, bao bì giấy dự kiến đạt mức tăng trưởng đáng kể, từ 2,37 tỷ đô la vào năm 2023 lên 3,77 tỷ đô la vào năm 2028, với mức CAGR là 9,73%. Đồng thời, bao bì cho ngành thực phẩm, đồ uống tiếp tục chiếm thị phần đáng kể.
Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử năm 2023 sẽ vượt trên 25% và đạt quy mô hơn 20 tỷ USD (Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam-EBI, 2023). Trái ngược với những biến động trong suy thoái thế giới, Việt Nam tiếp tục là một trong những quốc gia có nền thương mại điện tử phát triển nhanh nhất khu vực châu Á. Tác động bởi đại dịch COVID-19 đã tạo ra thói quen tiêu dùng ưu tiên sự tiện lợi. Đây cũng chính là một trong những yếu tố thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử, làm gia tăng lượng chất thải ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Điều này đặt ra bài toán về sự cân bằng lợi ích kinh tế và môi trường cho các công ty truyền thống, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội mới cho những doanh nghiệp khác.
Phát biểu tại biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Ngọc Sang - Chủ tịch Hiệp hội Bao bì Việt Nam (VINPAS) khẳng định: Propack Việt Nam 2023 không chỉ là nơi trưng bày sản phẩm, công nghệ mới mà còn là cầu nối quan trọng của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng bao bì. Đây cũng là nơi các doanh nghiệp có thể chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác mới góp phần định hình tương lai của doanh nghiệp. Việt Nam có khoảng 14.000 doanh nghiệp bao bì giấy chiếm 4.500 và bao bì nhựa chiếm 9.200 doanh nghiệp với tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định chính vì vậy ngành công nghiệp bao bì cũng hấp dẫn nguồn vốn đầu tư từ nhiều quốc gia với những thuận lợi đó thì công nghiệp bao bì Việt Nam cũng đối đầu nhiều thách thức cần phải tăng sức cạnh tranh bằng quản lý hiệu quả, thực hiện chuyển đổi số, xây dựng công nghiệp bao bì thành công nghiệp xanh, thân thiện môi trường đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế.