Bắc Giang tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 08:30, 09/11/2023
Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản đã đạt được những kết quả tích cực, hệ thống pháp luật về khoáng sản từng bước được hoàn thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước; các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản đã chú trọng công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản. Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, kiểm tra cho thấy hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng vẫn còn nhiều bất cập.
Chình vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, cơ quan, UBND các huyện, thành phố nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản, bảo vệ môi trường, các Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh có liên quan đến hoạt động khoáng sản, bảo vệ môi trường.
Thực hiện tốt công tác phối hợp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản. Đồng thời, quán triệt, tập trung triển khai các công việc liên quan đến ngành, địa phương theo yêu cầu tại mục 1, 2 Công văn số 8797 ngày 16/10/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện nghiêm túc quy trình thẩm định, tham mưu cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản sau khi được cấp phép.
Chú trọng công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện đầy đủ các yêu cầu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; việc thực hiện các biện pháp cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ khoáng sản sau khi kết thúc khai thác theo quy định của pháp luật.
Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với hoạt động cấp phép, quản lý sau khi cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của UBND cấp huyện theo văn bản được UBND tỉnh ủy quyền. Kịp thời báo cáo, kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương (cấp huyện, xã) để hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép, sai phép trên địa bàn diễn ra phức tạp.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách quy định việc thực hiện trách nhiệm hỗ trợ của tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác đối với địa phương, người dân nơi có khoáng sản được khai thác theo đúng quy định tại Khoản 2 Điều 5 Luật Khoáng sản năm 2010 và Điều 16 Nghị định số 158 ngày 29/11/2016 của Chính phủ (chủ động thực hiện cam kết; công khai nội dung, phương thức hỗ trợ trước khi khai thác và thực hiện nghiêm túc cam kết hỗ trợ) nhằm phòng ngừa tiêu cực và nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của chính quyền cơ sở, người dân nơi có khoáng sản khai thác.
Cục Thuế tỉnh chỉ đạo các phòng chuyên môn, nghiệp vụ, Chi cục Thuế khu vực cấp huyện hướng dẫn, đôn đốc, yêu cầu các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm việc kê khai, nộp nghĩa vụ tài chính (thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và các khoản thuế, phí, lệ phí khác có liên quan) theo quy định; có biện pháp xử lý, thu hồi nợ đọng nghĩa vụ tài chính đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản chậm nộp theo quy định.
Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, đề xuất xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, bảo kê, bao che cho các hoạt động quy hoạch, cấp phép, quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh đảm bảo nghiêm minh, kịp thời, đúng quy định pháp luật.