Đảm bảo cấp nước đổ ải cho vụ Đông Xuân 2022-2023
Nước và cuộc sống - Ngày đăng : 14:30, 10/11/2023
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cảnh báo khí tượng thủy văn thời hạn mùa trên phạm vi cả nước từ tháng 11/2023 - 4/2024, lượng nước về các hồ chứa khu vực miền Bắc tiếp tục thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN). Cụ thể, từ tháng 11 đến tháng 1/2024, lượng nước về các hồ chứa lớn trên lưu vực sông Đà thiếu hụt so với TBNN từ 10%- 25%, trên lưu vực sông Gâm và sông Chảy thiếu hụt từ 20% - 30%. Từ tháng 2-4/2024, lượng nước về các hồ trên lưu vực sông Đà thiếu hụt so TBNN từ 5%-20%, lưu vực sông Gâm và sông Chảy từ 10%- 20%.
Theo đó, kế hoạch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 được Cục Thủy lợi xây dựng trên những tiêu chí như: Khung thời vụ tốt, tiết kiệm lượng nước xả từ các nhà máy thủy điện, lợi dụng tối đa thủy triều, tránh kỳ nghỉ tết Nguyên đán, duy trì mực nước sông hạ lưu hợp lý,…
Cục Thủy lợi đề xuất kế hoạch lấy nước gồm 2 đợt, tổng lượng xả dự kiến khoảng 3,5 tỷ m3, thấp hơn vụ Đông Xuân 2022-2023 khoảng 0,12 tỷ m3.
Theo Cục Thủy lợi, do ảnh hưởng của El Nino, lượng mưa thiếu hụt ở hầu hết các nơi trên khu vực Nam Bộ cũng như khu vực trung và hạ lưu sông Mê Kông, mức độ sử dụng nước trên khu vực thượng nguồn cũng gia tăng nên khả năng thiếu hụt nguồn nước ngọt trong mùa khô 2023-2024 ở ĐBSCL rất lớn. Do vậy, cần có giải pháp ứng phó với tình hình xâm nhập mặn sớm và sâu hơn ở khu vực ĐBSCL. Với vụ đông xuân 2023-2024, tại vùng ven biển có khả năng xảy ra thiếu nước, dự báo vùng ảnh hưởng khoảng 66.000 ha diện tích sản xuất nông nghiệp (tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng). Vì vậy, những vùng sản xuất này phải có giải pháp canh tác phù hợp với tình hình nguồn nước, cần chủ động gieo cấy sớm tại các vùng không chủ động nguồn nước ngọt trong cả vụ.
Để vụ đông xuân sản xuất thắng lợi, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung đề nghị các đơn vị chuyên môn trực thuộc bộ, các địa phương tuyên truyền, vận động nông dân xuống giống đúng theo kế hoạch, nhất là phần diện tích xuống giống sớm ở các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL để tránh hạn, mặn. Đồng thời, cần theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến nguồn nước để chủ động bảo vệ sản xuất, hạn chế thiệt hại xảy ra; bố trí nguồn lực để nạo vét kinh, mương, có kế hoạch vận hành các cống ngăn triều kịp thời.