Giá gạo xuất khẩu Việt Nam cao kỷ lục: Có đáng lo?

Kinh tế - Ngày đăng : 07:22, 11/11/2023

Giá gạo xuất khẩu tăng cao, kéo theo giá lúa cũng tăng theo, đây là niềm phấn khởi cho người nông dân. Tuy nhiên, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước đang lo lắng khi giá gạo tiếp tục nằm ở mức cao.

"Điểm sáng" xuất khẩu gạo

Theo Bộ Công thương dự báo cả năm 2023, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt khoảng 4,5 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay.

Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam, hiện giá gạo xuất khẩu 5% tấm ở mức 653 USD/tấn, giá gạo loại 25% tấm dao động quanh mức 638 USD/tấn. Tuy giảm nhẹ, nhưng hiện giá gạo Việt Nam vẫn đang ở mức cao và bỏ xa gạo Thái Lan tới 91 USD/tấn. Nhìn về mặt giá gạo Việt Nam đang xác lập một mặt bằng giá mới.

gia-gao.jpg
Giá gạo tăng tác động đến cuộc sống của người dân thu nhập thấp ở nhiều khu vực

Giá gạo tiếp tục phá đỉnh cao nhất 15 năm qua. Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo trong tháng 10 đạt 700.000 tấn, tương đương 433 triệu USD, tăng 27% về giá trị so với tháng cùng kỳ. Trong bối cảnh khủng hoảng lương thực toàn cầu, Việt Nam đang tận dụng tốt cơ hội để có kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam lập kỷ lục 4 tỷ USD chỉ trong 10 tháng qua. Đây là con số cao nhất sau 34 năm gạo Việt tham gia vào thị trường thế giới.

Từ giờ đến cuối năm, dự báo giá gạo xuất khẩu sẽ còn tiếp tục tăng do biến động kinh tế, chính trị, xã hội trên thế giới kéo theo nhu cầu tăng dự trữ lương thực của nhiều quốc gia. Ngay cả các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia hay Trung Quốc cũng vẫn gia tăng lượng gạo nhập khẩu.

Trong khi đó, lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể sẽ còn kéo dài do sản lượng gạo niên vụ 2023-2024 của nước này được dự báo sẽ giảm 3% so với niên vụ trước, tương đương khoảng 4 triệu tấn gạo. Đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam tăng xuất khẩu gạo những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024.

Tiềm ẩn rủi ro rất lớn

Tuy nhiên, đẩy mạnh xuất khẩu gạo cũng phải đồng nghĩa với việc tập trung sản xuất trong nước để duy trì nguồn cung ổn định vì nếu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu tới 8 triệu tấn gạo thì nguồn cung dự trữ sẽ không còn nhiều, cần tính toán cụ thể để bảo đảm thực hiện tốt các hợp đồng ký mới cho năm 2024.

Bên cạnh đó, giá bán lúa gạo hợp lý tại thị trường trong nước cũng cần được điều tiết nhằm thúc đẩy thu mua lúa gạo phục vụ xuất khẩu.

Nếu giá lúa gạo bị đẩy lên quá cao thì nông dân sẽ trữ hàng, doanh nghiệp tranh mua tranh bán tạo ra sự hỗn loạn trên thị trường, ảnh hưởng đến việc thực hiện đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu, và xa hơn có thể ảnh hưởng đến cả chất lượng gạo xuất khẩu do doanh nghiệp không mua kịp đúng chủng loại cần thiết.

Thực tế, tại đồng bằng sông Cửu Long thời điểm này, các giao dịch trên thị trường cũng đang chậm do nông dân hạn chế bán ra khiến nguồn cung gạo ở mức thấp.

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, giá lúa, gạo tăng cao dẫn đến việc giao hàng của doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, vì hợp đồng xuất khẩu có thời gian giao hàng ít nhất từ 1 đến 3 tháng.

Giá tăng nóng như hiện nay dẫn đến một số trường hợp doanh nghiệp lỗ nhiều quá phải hủy hợp đồng. Số khác để giữ chữ tín bắt buộc mua giá cao để gom cho đủ hàng.

Mặt khác, theo một tiểu thương buôn bán gạo tại TP Rạch Giá, Kiên Giang cho hay giá gạo trong nước gần đây liên tục tăng đã ảnh hưởng rất nhiều đến người lao động nghèo.

Nếu so với tháng 10, giá gạo đã tăng ít nhất 2 lần, mỗi lần từ 2.000 - 3.000 đồng/kg tùy theo loại. "Việc tăng này đã làm nhiều người lao động ngán ngại mỗi khi mua gạo", vị tiểu thương này nói.

Có thể thấy, đằng sau việc giá lúa tăng lên mức kỷ lục vẫn còn đó những nỗi lo mà bất cứ ai trong ngành lúa gạo cũng không thể đứng ngoài. Câu chuyện liên kết, chia sẻ lợi nhuận một cách hài hòa lại được nhắc đến.

Minh Lâm