Sẽ có 2 đợt lấy nước trong vụ Đông Xuân 2023 - 2024
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 08:30, 14/11/2023
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông báo số 8128/TB-BNN-TL ngày 10/11/2023 về lịch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2023-2024, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ.
Theo đó, kế hoạch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 được Cục Thủy lợi xây dựng trên những tiêu chí như: Khung thời vụ tốt, tiết kiệm lượng nước xả từ các nhà máy thủy điện, lợi dụng tối đa thủy triều, tránh kỳ nghỉ tết Nguyên đán, duy trì mực nước sông hạ lưu hợp lý,…
Cục Thủy lợi đề xuất kế hoạch lấy nước gồm 2 đợt, tổng lượng xả dự kiến khoảng 3,5 tỷ m3, thấp hơn vụ Đông Xuân 2022-2023 khoảng 0,12 tỷ m3.
Theo đó, lịch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2023-2024, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ bao gồm tổng cộng 12 ngày, chia làm 2 đợt:
Đợt 1: Từ 0 giờ 00’ ngày 23/1 đến 24 giờ 00’ ngày 30/1/2024 (8 ngày);
Đợt 2: Từ 0 giờ 00’ ngày 18/2 đến 24 giờ 00’ ngày 21/2/2024 (4 ngày).
Trong thời gian lấy nước Đợt 1, các nhà máy thủy điện sẽ vận hành tối đa công suất phát điện để tăng cường nguồn nước về hạ du (mực nước dự kiến trung bình đạt khoảng 1,70-1,90 m tại trạm thủy văn Hà Nội).
Đợt 2 các hồ chứa thủy điện vận hành bảo đảm dòng chảy đủ để đẩy mặn, mực nước cho các trạm bơm dã chiến và các công trình đã được nâng cấp hoạt động (mực nước tại trạm thủy văn Sơn Tây trung bình khoảng 1,8-2,0 m).
Tại cuộc họp mới đây về việc xây dựng lịch lấy nước gieo cấy vụ Đông Xuân 2023 -2024 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, việc cấp nước cho gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 phải tập trung vào hai mục tiêu: Thứ nhất, không để xảy ra tình trạng có diện tích đất không gieo trồng do thiếu nước; thứ hai, đảm bảo nguồn nước cho phát điện mùa khô 2024.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đồng ý với đề xuất sẽ lấy nước 2 đợt với tổng lượng xả tối đa không quá 3,5 tỷ m3 và đề nghị Cục Thủy lợi tính toán để lên lịch lấy nước phù hợp, nhằm mang lại hiệu quả cao, tiết kiệm nước, tránh lãng phí. Các địa phương, đơn vị cần quyết liệt thực hiện các giải pháp để lấy nước hiệu quả, tránh lãng phí nguồn nước.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị EVN chủ động vận hành hợp lý các hồ chứa để vừa bảo đảm điều tiết nước phục vụ sản xuất, vừa bảo đảm mục tiêu phát điện.
Để đảm bảo cung cấp đủ nước phục vụ gieo cấy và tiết kiệm nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường thực hiện giải pháp thích ứng với tình trạng thiếu hụt nguồn nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2023-2024, chỉ đạo tổ chức xây dựng kế hoạch lấy nước phù hợp với lịch lấy nước, bảo đảm cung cấp đủ nước cho các diện tích gieo cấy có nhu cầu lấy nước từ hệ thống sông Hồng trong 2 Đợt lấy nước.
Đồng thời, tăng cường các giải pháp giữ nước trên ruộng để hạn chế thất thoát nước trong thời gian dài giữa Đợt 1 và Đợt 2 lấy nước (18 ngày), bảo đảm hạn chế tối đa việc thất thoát, lãnh phí nước.
UBND Thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, chịu trách nhiệm toàn diện về việc bảo đảm cung cấp đủ nước cho các diện tích gieo cấy thuộc khu tưới của trạm bơm Trung Hà (không đủ điều kiện vận hành trong cả 2 Đợt lấy nước); tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ lấy nước, tiến độ gieo cấy phù hợp với khả năng cung cấp nước của các hệ thống công trình thủy lợi, đặc biệt tại các huyện Thạch Thất, Quốc Oai,...
Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải tăng cường tổ chức lấy nước ngược vào hệ thống qua các cống Cầu Xe, An Thổ khi điều kiện độ mặn cho phép (độ mặn ≤1‰). Các địa phương lấy nước từ hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, lấy nước trực tiếp từ sông ngoài cần chủ động đo đạc độ mặn trước khi lấy nước vào ruộng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị khai thác công trình thủy lợi theo dõi chặt chẽ các thông tin liên quan do các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp để chủ động tổ chức công tác lấy nước hiệu quả. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc đề nghị kịp thời liên hệ bộ phận thường trực của Cục Thủy lợi.
Vụ Đông Xuân 2022-2023, tổng lượng xả của các hồ chứa thủy điện cả 2 đợt là 3,62 tỷ m3 (đợt 1 là 1,41 tỷ m3, đợt 2 là 2,21 tỷ m3), thấp hơn khoảng 1,14 tỷ m3 so với tổng lượng nước xả dự kiến của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Theo ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), thời gian qua, EVN đã chủ động vận hành hệ thống điện ưu tiên tích nước các hồ chứa thủy điện, đặc biệt là các hồ chứa lớn trên lưu vực sông Hồng để đảm bảo cấp nước, cấp điện các tháng cuối năm 2023 và mùa khô năm 2024.
Tính đến ngày 31/10/2023, các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng cơ bản đã tích được lên xấp xỉ mức nước dâng bình thường, trừ hồ Thác Bà còn thiếu khoảng 2m.
Tuy nhiên, theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cảnh báo khí tượng thủy văn thời hạn mùa trên phạm vi cả nước từ tháng 11 đến tháng 4/2024 , lượng nước về các hồ chứa khu vực miền Bắc tiếp tục thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN).
Cụ thể, từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024, lượng nước về các hồ chứa lớn trên lưu vực sông Đà thiếu hụt so TBNN từ 10%- 25%, trên lưu vực sông Gâm và sông Chảy thiếu hụt từ 20% - 30%.
Từ tháng 2 đến tháng 4/2024, lượng nước về các hồ trên lưu vực sông Đà thiếu hụt so TBNN từ 5% - 20%, lưu vực sông Gâm và sông Chảy từ 10% - 20%. Với dự báo này, công tác đảm bảo cấp nước và cung ứng điện những tháng cuối năm 2023 và năm 2024 sẽ gặp nhiều khó khăn.
Nhằm đảm bảo dự trữ nguồn nước phục vụ cấp nước và phát điện những tháng nắng nóng cuối mùa khô năm 2024, EVN đề nghị thực hiện công tác lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2023- 2024 phải thực sự tiết kiệm, hiệu quả.
Ông Ngô Sơn Hải cho biết, EVN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn để thực hiện tốt công tác điều hành, điều tiết các nhà máy thủy điện, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong các đợt xả - lấy nước cho gieo cấy.