Vai trò của báo chí trong thúc đẩy bình đẳng giới

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 21:29, 14/11/2023

Ngày 13/11, tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp cùng tổ chức Oxfam tại Việt Nam thực hiện chương trình tọa đàm và trưng bày “Báo chí qua lăng kính giới”. PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đã nêu lên những vấn đề về vai trò của báo chí trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy bình đẳng giới; nhận diện tình trạng định kiến giới trong xã hội thể hiện trên báo chí-truyền thông; thảo luận về khuôn mẫu giới, cách thức xây dựng sản phẩm báo chí có nhạy cảm giới…

binh-dang-gioi.jpg
Tọa đàm với sự góp mặt của nhiều nhà báo, các chuyên gia về giới.

Nhận xét về vai trò của báo chí đối với các vấn đề liên quan tới bình đẳng giới, nhà báo Trần Thị Kim Hoa, phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết: “Từ những trang báo, tư liệu và hiện vật mà chúng tôi có từ trước tới nay, hoàn toàn có thể khẳng định báo chí Việt Nam đã và đang tích cực khai thông dòng chảy, xóa bỏ những định kiến giới và đã có rất nhiều thành công qua từng bước’’.

Theo chỉ số của "Dự án Thanh niên tham gia thách thức định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới" (Youth & Gender ) do Liên minh châu Âu tài trợ, yêu cầu chung đối với các sản phẩm truyền thông, quảng cáo có nhạy cảm giới, bảo đảm thể hiện thông điệp truyền thông, quảng cáo không củng cố khuôn mẫu giới, định kiến giới và vai trò giới truyền thống mà theo hướng thách thức các khuôn mẫu, định kiến giới và hưởng đến thúc đẩy bình đẳng giới. Hình ảnh liên quan đến phụ nữ, nam giới, trẻ em trai, trẻ em gái và người LGBTIQ+ được thể hiện một cách cân bằng và đa dạng cả về định tính và định lượng trong các sản phẩm truyền thông, quảng cáo.

Chỉ ra những biểu hiện của định kiến giới trong sản phẩm báo chí hiện nay, chuyên gia Lê Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng, gợi ý các nội dung nhằm bảo đảm nhạy cảm giới trong truyền thông, gồm: Không sử dụng hình ảnh làm nặng thêm định kiến giới, khuôn mẫu giới vốn có; sử dụng hài hòa hình ảnh minh họa, ý kiến của nam, nữ trong sản phẩm báo chí; bảo đảm sự hiện diện bình đẳng về hình ảnh, ý kiến của nam, nữ trong sản phẩm báo chí. Cùng với đó là sử dụng câu chuyện, hình ảnh truyền cảm hứng cho công chúng về bình đẳng giới theo nguyên tắc chia sẻ và hợp tác giữa các giới để cùng phát triển…

Theo PGS-TS, nhà báo Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, để thay đổi nhận thức của công chúng và các cấp, cần đề cao việc khai thác các chủ đề, câu chuyện liên quan đến bất bình đẳng giới. Bên cạnh đó, chú trọng thay đổi góc nhìn bình đẳng giới, cả nam, nữ và giới khác đều được phát triển tối đa tiềm năng của mình.

Trong khuôn khổ chương trình, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã trưng bày chuyên đề có tính lịch sử về các sản phẩm báo chí đề cập đến vấn đề giới tại Việt Nam trong hơn một thế kỷ qua.

Tố Cẩm