Nhiều cánh rừng tại Thừa Thiên Huế bị khai thác trái phép
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 02:12, 22/03/2018
(Moitruong.net.vn) – Nam Đông là một trong những huyện nghèo của tỉnh Thừa Thiên Huế, đây cũng là một trong những huyện thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác rừng trái phép. Những vụ vi phạm hình sự về hủy hoại rừng trên địa bàn huyện thời gian qua đã được ngành chức năng phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật.
Một thực tế đang tồn tại ở huyện Nam Đông là do hiện tượng mua bán đất đai trao tay nên trên địa bàn còn hơn 1000ha đất không xác định được chủ, gây khó khăn trong việc quản lý quỹ đất rừng, đất lâm nghiệp.
Tại khu vực giáp ranh thuộc khe Ka Đẩu, thôn 1, xã Thượng Nhật, cả một khoảng đất rộng hàng ngàn mét vuông đã được phát quang chuẩn bị cho việc trồng keo. Theo cơ quan chức năng, đây là diện tích đất rừng bị người dân xâm chiếm trái phép.
Những người vi phạm cũng đã bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Một người dân cho biết, lợi dụng đường sá hiểm trở, vắng bóng lực lượng kiểm lâm nên diện tích đất trên đã bị các đối tượng vào phát quang nhằm chiếm đất trồng rừng. Trước đây, phát thủ công rất chậm, nhưng nay có máy cưa nên phát rất nhanh. Hiện đất trồng rừng được bán trao tay với giá 60-80 triệu đồng/ha nên người dân bất chấp để lấn chiếm.
Tại các khu rừng thuộc các xã Hương Sơn, Thượng Quảng, Thượng Long, Hương Phú…cũng xảy ra tình trạng tương tự. Khoảng 5 năm trở lại đây, khi cây keo lai có giá trị, người dân không ngần ngại phá rừng, lấn chiếm diện tích đất trồng cây keo. Bên cạnh đó, các đối tượng lâm tặc hoành hành cũng góp phần xóa đi những cánh rừng nguyên sinh. Thậm chí, ngay cả những cánh rừng phòng hộ cũng bị triệt hạ không thương tiếc.
Hiện, huyện Nam Đông đang triển khai tăng cường các biện pháp quản lý rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn. Qua rà soát, đã phát hiện và thu hồi trên 270ha diện tích rừng bị lấn chiếm, từ đó có hướng xử lý phù hợp dựa trên nguồn gốc rừng; đồng thời, giúp địa phương quản lý được toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, thống kê và đưa vào bản đồ số hóa để khắc phục tình trạng tái lấn chiếm sau thu hồi.
Theo TTH