Nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam

Môi trường xã hội - Ngày đăng : 12:26, 18/11/2023

Chiều ngày 17/11, tại TP Hòa Bình, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết 6 năm thực hiện Luật Báo chí 2016 gắn với 10 điều Quy định về đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
bao-chi.jpg
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: NLB

Hội nghị có sự tham gia của các cơ quan báo chí, liên chi hội, chi hội trực thuộc và 25 hội nhà báo các tỉnh miền Bắc.

Khẳng định sau 6 năm thực hiện Luật Báo chí 2016, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam đã nhận được nhiều đánh giá tích cực của những người làm báo và toàn xã hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi đánh giá: “Luật Báo chí 2016 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, là chỗ dựa của những người làm báo để thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ xã hội và nhân dân tốt hơn, giúp nhà báo và cơ quan báo chí hoàn thành tốt chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn”.

Đồng thời, có những vấn đề mới phát sinh khi triển khai thực hiện 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp, quy tắc sử dụng mạng xã hội cần phải cập nhật, sửa đổi, bổ sung để giúp cho hội viên - nhà báo xác định rõ hơn trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ của hội viên - nhà báo khi tác nghiệp cũng như tham gia mạng xã hội, đồng thời giúp Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo các cấp tham chiếu, làm cơ sở xử lý những sai phạm trong thực tiễn.

Các tham luận tập trung vào các chủ đề nóng, như: Làm thế nào để nâng cao trách nhiệm và vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực thi Luật Báo chí 2016 và 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo. Từ thực tiễn hoạt động báo chí ở địa phương nêu ra một số đề xuất kiến nghị về việc sửa đổi bổ sung Luật Báo chí 2016; giải pháp để thực hiện tốt 10 điều quy định nghề nghiệp người làm báo; phân tích thực trạng, đưa ra các giải pháp đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ thu hút hội viên là phóng viên thường trú, các văn phòng đại diện về sinh hoạt tại Hội Nhà báo địa phương.

Các ý kiến cũng bày tỏ mong muốn Hội Nhà báo địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong chỉ đạo, quản lý báo chí, xử lý vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Đồng thời, đi sâu phân tích mối quan hệ giữa nhiệm vụ triển khai phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” với việc thực hiện Luật Báo chí, Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.

Minh Lâm