Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, phát triển nông thôn bền vững
Kinh tế - Ngày đăng : 15:11, 19/11/2023
Mới đây, Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo với chủ đề Kinh tế tuần hoàn trong Nông nghiệp.
Các báo cáo tham luận tại Hội thảo tập trung vào một số nội dung như: Kinh tế tuần hoàn trong Nông nghiệp; Kinh tế tuần hoàn phát triển nông thôn bền vững: Hiện trạng và đế xuất một số hướng nghiên cứu; Mô hình Kinh tế Nông nghiệp tuần hoàn; Ứng dụng cải tiến khoa học kỹ thuật và công nghệ sinh học trong chọn tạo giống; Ứng dụng hóa lý tận dụng phế phẩm trong sản xuất; Phát triển Kinh tế tuần hoàn dinh dưỡng và năng lượng từ bùn thải nuôi cá tra.
Trong báo cáo tham luận Kinh tế tuần hoàn trong Nông nghiệp, GS.TS Nguyễn Văn Phước, Ủy viên đoàn chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT TP.HCM đã đề cập đến thách thức do gia tăng dân số: Theo Vụ Liên Hiệp Quốc về vấn đề Kinh tế và Xã hội (UNDESA) năm 2021 dự báo, dân số toàn cầu đến năm 2050 là 9,6 tỷ người. Do vậy cần tăng sản lượng lương thực thêm 5,1 tỷ tấn trước năm 2050 (theo FAO năm 2017). Vấn đề gia tăng dân số đã đặt áp lực rất lớn lên các hệ sinh thái nông nghiệp, gây ra tác động tiêu cực đến môi trường vì tiêu thụ một lượng lớn nguồn tài nguyên nước và năng lượng. Hơn 90% tác động môi trường do sử dụng đất có liên quan đến nông nghiệp, đó là tạo ra 10 tỷ tấn carbon dioxide (CO2e), lớn thứ ba sau vận tải và nhà ở.
GS.TS Nguyễn Văn Phước cũng chỉ ra tác động của mô hình canh tác nông nghiệp truyền thống đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên. Cụ thể: Hoạt động nông nghiệp phát thải 30% khí nhà kính, chịu trách nhiệm cho 80% nạn phá rừng, 90% suy thoái đất, 80% mất dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học, 70% lượng tiêu thụ nước ngọt và hơn 85% ô nhiễm nước do nitơ và 90% do phốt phát. Về đại dương, 89% thủy sản bị khai thác quá mức.
“Mô hình kinh tế tuyến tính hiện tại của chúng ta đang đẩy các giới hạn môi trường ra ngoài mức an toàn”, GS.TS Nguyễn Văn Phước cho biết thêm.
Vì vậy, tập trung thực hiện kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là điều hết sức cần thiết. Bởi vòng khép kín là trọng tâm của nền kinh tế tuần hoàn, tăng cường dòng liên tục của vật liệu kỹ thuật và sinh học trong vòng tròn giá trị, giữ cho sản phẩm, linh kiện, vật liệu ở mức có giá trị cao nhất, đồng thời giảm chất thải đến mức tối thiểu. Không những vậy, nguồn tài nguyên có thể được lưu thông qua nhiều con đường khác nhau, sử dụng công nghệ mới, tạo ra chuỗi giá trị và việc làm mới.
GS.TS Nguyễn Văn Phước nhấn mạnh: “Nông nghiệp tuần hoàn tập trung vào việc sử dụng lượng đầu vào từ bên ngoài ở mức tối thiểu, khép vòng tuần hoàn dinh dưỡng, tái tạo đất và giảm thiểu tác động đến môi trường”.
Nông nghiệp tuần hoàn có thể giảm yêu cầu về tài nguyên và dấu chân sinh thái của nông nghiệp, có thể giúp đảm bảo giảm sử dụng đất, phân bón hóa học và chất thải, từ đó có thể giảm lượng khí thải CO2 toàn cầu.
Tại châu Âu, kết quả ước tính cách tiếp cận tuần hoàn đối với hệ thống thực phẩm có thể giảm 80% việc sử dụng phân bón hóa học (Tổ chức Ellen MacArthur, 2016), GS.TS Nguyễn Văn Phước dẫn chứng.
GS.TS Nguyễn Văn Phước cũng chỉ ra 3 nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn áp dụng trong lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp. Thứ nhất, ô nhiễm, chất thải được thay thế để có khả năng tái tạo, tránh gây thiệt hại cho sức khỏe con người và môi trường. Cần tránh ô nhiễm không khí, đất và nước; cơ sở xăng dầu và các sản phẩm hóa chất được thay thế bằng các sản phẩm tự nhiên và năng lượng tái tạo.
Thứ hai, bảo toàn giá trị theo thời gian và thiết kế để đảm bảo độ bền, tái sử dụng, tái sản xuất và tái chế trong chu trình kỹ thuật. Ưu đãi khi sử dụng vật liệu dựa trên sinh học trước khi nó trở lại hệ thống tự nhiên. Do đó, nguyên tắc là thu được giá trị từ chất thải, phát triển các sả phẩm phụ có thể dùng làm đầu vào hoặc mở ra cơ hội thị trường mới. Thành phần này kết hợp với tinh thần kinh doanh có tiềm năng tạo ra việc làm và cơ hội kinh doanh mới.
Thứ ba, một hệ thống tuần hoàn tránh sử dụng các nguồn tài nguyên không thể tái tạo và trả lại các chất dinh dưỡng có giá trị cho đất để hỗ trợ quá trình tái sinh tự nhiên.
KTTH nông nghiệp tạo việc làm
Theo đó, nền kinh tế tuần hoàn không chỉ giải quyết các thách thức về môi trường mà còn giúp thúc đẩy đổi mới, tạo ra các phương thức kinh doanh mới và tạo việc làm mới thông qua việc tận dụng chất thải nông nghiệp, phụ phẩm và phụ phẩm.
Các doanh nghiệp mới và tạo việc làm mới do nền kinh tế tuần hoàn tạo ra, thông qua việc phục hồi và tái sản xuất tài nguyên.
Các công nghệ mới chuyển đổi chất thải thực phẩm thành phân bón hữu cơ và vật liệu sinh học, thành thuốc và năng lượng sinh học
Việc tái sử dụng sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn so với các sản phẩm truyền thống.
Các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp
Theo GS.TS Nguyễn Văn Phước, có 3 mô hình KTTH trong nông nghiệp: Các cụm công - nông nghiệp khu vực; Nông nghiệp đô thị và chuỗi giá trị và Sự đa dạng sinh học và KTTH.
Các cụm công - nông nghiệp khu vực là sự kết hợp các cơ sở và dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật và kinh doanh tại một địa điểm, đạt được lợi thế quy mô cho các doanh nghiệp nằm trong cụm và cho phép các chủ doanh nghiệp nhỏ tiếp cận các dịch vụ và công nghệ.
Hệ thống sửa chữa và bảo trì công nghệ nông nghiệp; tái sử dụng và phân phối lại; tân trang, tái sản xuất và tái chế liên kết với nhau và với khách hàng.
Cụm CNN cung cấp nền tảng lý tưởng cho áp dụng kinh tế tuần hoàn. Gần khu vực nông thôn cho phép các công ty chuyên sửa chữa và bảo trì công nghệ nông nghiệp; tái sử dụng và phân phối lại; tân trang, tái sản xuất và tái chế, và gần gũi với khách hàng hơn.
Về mặt sinh học, cụm CNN tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái chế các sản phẩm phụ và chất thải. Nhiên liệu sinh học và năng lượng tái tạo cũng có thể giúp cung cấp năng lượng cho cụm CNN, khép kín vòng tuần hoàn sử dụng tài nguyên.
Nông nghiệp đô thị và chuỗi giá trị, 80% thực phẩm sẽ được tiêu thụ ở các thành phố vào năm 2050, do đó ảnh hưởng đáng kể đến phương thức trồng trọt. Nông nghiệp đô thị và chuỗi giá trị mang lại nhiều ưu điểm như: Nông nghiệp đô thị có vai trò bổ sung cho hệ thống thực phẩm; Các cụm công nghệ mới giúp cho nông nghiệp đô thị trở thành một nhân tố tiềm năng trong sx thực phẩm; Sử dụng đất bỏ hoang công nghiệp, tận dụng đất kho cũ để sản xuất; Sử dụng ít đất hơn, giảm nhu cầu phá rừng để canh tác; Tiết kiệm chi phí đi lại và giảm lượng khí thải carbon do vận tải hàng hóa; Giảm lãng phí thực phẩm và thu hồi giá trị từ chất thải; Cần ít bao bì hơn để lưu trữ và vận chuyển thực phẩm; Nhà kính là cơ hội áp dụng năng lượng tái tạo, thu nước mưa và tái sử dụng chất thải hữu cơ.
Sự đa dạng sinh học và KTTH là quan hệ cộng sinh, bám vào các quy luật, chu trình tự nhiên để sản xuất, phân phối, tiêu dùng, thu hồi và tái tạo vật chất.
KTTH mô phỏng các quá trình tự nhiên (xanh hóa), giảm áp lực lên môi trường, bao gồm đa dạng sinh học và hệ sinh thái; Giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên và giảm khí thải carbon giúp hỗ trợ đa dạng sinh học; Phụ thuộc vào đa dạng sinh học để cung cấp nguyên liệu thô để sản xuất hàng hóa - Lồng ghép đa dạng sinh học vào quy trình công nông nghiệp là cần thiết để đảm bảo sự đa dạng trên trái đất.
Hệ thống kinh tế hiện nay với mô hình sản xuất – tiêu dùng sản xuất – tiêu dùng đã đạt đến giới hạn nguồn tài nguyên sẵn có của trái đất.
Hình thành nền kinh tế tuần hoàn hướng tới không chất thải và không ô nhiễm mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nền kinh tế và môi trường về cơ hội việc làm, tiết kiệm vật liệu và chi phí cũng như đa dạng sinh học.
Việc chuyển đổi phải được tính đến từ giai đoạn thiết kế để thay thế ô nhiễm và chất thải, bảo tồn giá trị theo thời gian và tránh sử dụng các nguồn tài nguyên không thể tái tạo.