Nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long kéo dài đến năm 2024-2025

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 16:00, 20/11/2023

Tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ diễn ra trên phạm vi rộng và kéo dài đến mùa khô năm 2024-2025.

Bộ Tài nguyên và Môi trường dự báo, hiện tượng El Nino tiếp tục duy trì đến những tháng đầu năm 2024 với xác suất 85-95%. Do vậy, trong các tháng mùa khô 2023-2024, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn có nguy cơ ở cấp độ 3-4, diễn ra trên phạm vi rộng và kéo dài, đặc biệt vùng đồng bằng sông Cửu Long có khả năng kéo dài đến mùa khô năm 2024-2025.

xam-nhap-man.jpg
Ảnh minh họa 

Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương, người dân cập nhật kịp thời thông tin dự báo khí tượng thủy văn, xâm nhập mặn và triển khai biện pháp chủ động ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024. Tình trạng này gây nhiều ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, một số địa phương đã lên phương án phòng tránh.

Cà Mau đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hướng dẫn cụ thể lịch thời vụ, cơ cấu giống, quy trình kỹ thuật chăm sóc đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp từng khu vực; hướng dẫn các phương pháp tưới tiên tiến cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre, xâm nhập mặn khả năng sẽ xâm nhập sớm vào các sông trên địa bàn tỉnh từ nửa cuối tháng 11/2023. Trong tháng 12/2023, xuất hiện 2 đợt xâm nhập mặn, đợt 1 từ ngày 7 đến ngày 12 và đợt 2 từ ngày 21 đến ngày 26. Dự báo ranh mặn xâm nhập sâu nhất trên các sông xuất hiện trong tháng 2 và 3/2024.

Độ mặn 1‰ có khả năng xâm nhập toàn khu vực tỉnh từ tháng 1 đến tháng 5/2024, nhất là các hệ thống sông Hàm Luông, Cửa Đại, kênh Giao Hòa-An Hóa vào sông Ba Lai, do tác động thêm của công trình cống, đập giữ nước tại thượng nguồn tỉnh và tại các địa phương giáp ranh tỉnh, sự vận hành các đập trên sông Mekong theo hướng tích nước.

Nhật Trịnh