Công bố danh mục bến cảng biển Việt Nam theo từng địa phương
Môi trường xã hội - Ngày đăng : 10:30, 21/11/2023
Theo quyết định mới của Bộ GTVT, cảng biển Việt Nam có 296 bến cảng. Trong đó, khu vực phía Bắc, địa phương có nhiều bến cảng biển nhất là thành phố Hải Phòng.
Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh có 14 bến; Hải Phòng có 50 bến; Nam Định 3 bến; Thái Bình 2 bến; Thanh Hóa 10 bến; Nghệ An 7 bến; Hà Tĩnh có 6 bến; Quảng Bình 4 bến, Quảng Trị 2 bến, Thừa Thiên Huế 2 bến, Đà Nẵng 8 bến, Quảng Nam 3 bến, Quảng Ngãi 8 bến, Bình Định 4 bến, Phú Yên 1 bến, Khánh Hòa 17 bến, Ninh Thuận 3 bến, Bình Thuận 6 bến.
Tại khu vực phía Nam, cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu có 47 bến cảng, Bình Dương 1 bến, Đồng Nai 18 bến, TPpHCM 40 bến, Long An 3 bến, Tiền Giang 2 bến, Đồng Tháp 3 bến, Bến Tre 1 bến cảng, Vĩnh Long 3 bến, Cần Thơ 17 bến, Hậu Giang 2 bến, Sóc Trăng 1 bến, Trà Vinh 2 bến, An Giang 1 bến, Kiên Giang 4 bến và Cà Mau 1 bến.
Như vậy, quy định mới có những thay đổi về số lượng bến cảng ở nhiều khu vực. Trong đó, tại Hải Phòng không còn bến cảng Cơ khí Hạ Long và bến cảng Biên phòng. Theo quyết định này, tại TP.HCM đã giảm 3 bến cảng so với trước, không còn các bến cảng: Tân Cảng; xi măng Holcim Hiệp Phước; Nhà máy đóng, sửa chữa tàu biển Ba Son.
Hai bến cảng là Bến cảng tổng hợp VIMC Hậu Giang và bến cảng chuyên dùng quốc tế Lee & Man thuộc về cảng biển Hậu Giang, thay vì cảng biển Cần Thơ như trước. Bến cảng Superdong Trần Đề - Sóc Trăng cũng thuộc khu vực cảng biển Sóc Trăng, thay vì Cần Thơ.
Tại quyết định này, một số bến cảng mới được bổ sung, bao gồm: bến cảng Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (Khánh Hòa), bến cảng chuyên dùng Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 và bến cảng thuộc Dự án Khu phát triển Gas & LNG và các loại hình phụ trợ lọc hoá dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), bến cảng Quốc tế Trung Nam Cà Ná (Ninh Thuận), bến cảng tổng hợp - container Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi).