Bài 3: Công ty Napowin có dấu hiệu cố tình lừa dối khách hàng về nguồn gốc xuất xứ
Nước và cuộc sống - Ngày đăng : 09:48, 21/11/2023
Quảng cáo “nguồn gốc, xuất xứ” của Napowin đã biến mất trên website công ty
Sau khi Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đăng tải bài viết nêu kiến nghị của người dân: “Người tiêu dùng tố công ty Napowin dối trá trong việc bán máy lọc nước” có đề cập tới vấn đề trên Website napowin.com.vn giới thiệu quảng cáo sản phẩm máy lọc nước được Công ty Napowin khẳng định tất cả linh kiện, sản phẩm của Công ty được nhập khẩu 100% từ Nhật Bản, Châu Âu và được đội ngũ kỹ sư nhiều năm kinh nghiệm của công ty lắp ráp tại Việt Nam.
Thì ngay sau đó những lời lời quảng cáo có cánh này đã biến mất một cách khó hiểu mà thay vào đó là “Tất cả các linh kiện, sản phẩm của công ty đều được nhập khẩu 100% từ các nước tiên tiến”. Vấn đề đặt ra ở đây là có hay không việc Công ty Napowin đang có dấu hiệu cố tình lừa dối khách hàng về nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm Napowin?.
Liên quan đến vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Văn Hưng cho biết: “Nếu sau khi các cơ quan có thẩm quyền xác mình, làm rõ nguồn gốc sản phẩm đó không đúng như cam kết ban đầu thì rõ ràng trong trường hợp này bên bán đã cố tình cung cấp thông tin sai sự thật thì xác định thấy ngay đó là vi phạm hợp đồng. Khi mà cá nhân hoặc tổ chức để xảy ra vi phạm đó thì cùng lúc phải đối mặt với hai hậu quả pháp lý thứ nhất là giải quyết cho khách hàng của mình, hai là giải quyết với cơ quan nhà nước nhẹ thì xử lý hành chính, nặng thì xử lý hình sự đấy là trách nhiệm của cá nhân hoặc tổ chức đó với nhà nước. Trường hợp mà thỏa mãn cấu thành tội phạm của tội lừa dối khách hàng thì ngoài bị xử lý theo quy định theo điều 198 của pháp luật hình sự thì bên cung cấp sản phẩm vẫn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả đối với người bị hại. Ngoài bị xử lý, trong mọi trường hợp nếu bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ mà vi phạm đều phải đảm bảo khắc phục hậu quả cho khách hàng của mình và thực hiện chế tài đối với nhà nước đó là trách nhiệm giữa người vi phạm với cơ quan quản lý nhà nước vì hành vi quảng cáo gian dối, cung cấp hàng hóa không đúng với cam kết là vi phạm trật tự quản lý xã hội mà nhà nước đặt ra”.
Liên quan đến kiến nghị của bà Phạm Thanh Nga và ông Bùi Văn Chiến (sinh sống ở Gia Lai). Theo nội dung đơn thư, bà Nga và ông Chiến tố công ty TNHH Napowin có dấu hiệu “treo đầu dê bán thịt chó” khi ký hợp đồng mua máy lọc nước mang thương hiệu Napowin nhưng lại được nhân viên của Napowin giao một cái máy hoàn toàn không có thương hiệu.
Trao đổi với PV, ông Chiến cho biết: “gia đình tôi sống ở vùng sâu vùng xa thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Đắk Pơ – Gia Lai, trình độ dân trí thấp, thiếu hiểu biết và dân quê chúng tôi rất thật thà, tin người nên mới bị xảy ra sự việc như thế này”.
Để có thông tin khách quan, đa chiều trong việc bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, đặc biệt là những người dân thuộc vùng dân tộc thiểu số như gia đình ông Chiến và bà Nga. Trao đổi với PV Tạp chí Môi trường và Cuộc sống, Luật sư Nguyễn Văn Hưng thuộc Công ty luật Phúc Khánh Hưng – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: “theo điều 8 của Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2023 có hiệu lực từ 1/7/2024, nêu rõ về bảo vệ quyền lợi cho nhóm ngươi dễ bị tổn thương, nhóm người đó bao gồm: Người dân tộc thiểu số; người sinh sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật. Khi nhóm người này mà có những kiến nghị, phản ánh về chất lượng hàng hóa hoặc dịch vụ đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó thì tổ chức, cá nhân đó phải có trách nhiệm giải quyết cho nhóm người này. Trong trường hợp này, gia đình ông Chiến thuộc nhóm người tiêu dùng yếu thế, tuy nhiên phía Công ty lại không có thiện chí giải quyết theo quy định của pháp luật mà lại có những hành động mang tính chất gây sức ép để yêu cầu người dân cam kết thì không đúng với quy định của pháp luật về bảo vệ nhóm người tiêu dùng yếu thế”.
Từ năm 2018, Công ty Napowin không nhập khẩu bất cứ linh kiện, sản phẩm nào
Liên quan đến dấu hiệu mập mờ nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm máy lọc nước Napowin đã thể hiện rõ trên Website: Napowin.com.vn của Công ty TNHH Napowin, và hợp đồng mua bán sản phẩm giữa gia đình ông Chiến và Napowin. Theo nguồn tin riêng của Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống từ Tổng cục Hải quan, theo đó thì từ năm 2018 Công ty Napowin không nhập khẩu bất cứ linh kiện, sản phẩm nào về Việt Nam.
Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Hưng cho biết: “ cần phải đặt ra câu hỏi ở đây sản phẩm của Công ty này lấy ở đâu? Có thể thấy 2 giả thiết: một là Công ty mua lại của đối tác trong nước, hai là Công ty gian dối về xuất xứ hàng hóa. Nếu Công ty này ở đây không nhập khẩu thì có nghĩa tất cả hàng hóa của họ tự sản xuất hoặc mua lại của đối tác ở trong nước. Vậy chúng ta lại phải đặt câu hỏi Công ty này mua lại sản phẩm thì mua lại của ai? Tổ chức, cá nhân nào bán cho họ? Và việc bán như vậy thì có đúng với lời quảng cáo và cam kết ban đầu của Công ty hay không?”
Nguy hại tiềm ẩn từ máy lọc nước kém chất lượng, không rõ xuất xứ
Máy lọc nước là sản phẩm có liên quan trực tiếp đến sức khỏe. Đồng thời sản phẩm thường được sử dụng lâu dài trong nhiều năm. Vì vậy, người tiêu dùng nên lựa chọn các dòng máy lọc nước chất lượng để chất lượng nước sau lọc được đảm bảo, giúp người dùng an tâm về sức khỏe trong quá trình sử dụng.
Theo phản ánh của khách hàng, sản phẩm máy lọc nước Napowin mập mờ về nguồn gốc xuất xứ. Với nguồn gốc xuất xứ nhập nhằng như vậy, chất lượng sản phẩm sẽ khó được đảm bảo. Máy lọc nước là sản phẩm gắn liền với sức khỏe và chất lượng sống của mỗi gia đình. Chính vì vậy, nếu dùng máy lọc nước không rõ nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người tiêu dùng.
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV Tạp chí Môi trường và Cuộc sống, chuyên gia Tô Văn Trực - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nước và khí hydro cho biết: “Khi sử dụng máy lọc nước không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nước của của người sử dụng, sản phẩm không rõ nguồn gốc thì không cung cấp được đầy đủ thông tin chi tiết của các lõi lọc trong máy lọc nước cũng như các chứng nhận sản phẩm của nhà máy sản xuất. Vật liệu lọc không đảm bảo được chất lượng gây ra các chất độc hại, không loại bỏ được các kim loại nặng và các chất ô nhiễm trong nguồn nước”.
Đồng thời, chuyên gia Tô Văn Trực cho biết thêm: “Máy lọc nước không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người sử dụng. Những nguy cơ tiềm ần khi sử dụng máy lọc nước kém chất lượng, người sử dụng sẽ gặp nguy hiểm về sức khỏe, dễ bị mắc các bệnh như: nhiễm khuẩn tiêu chảy E.coli, nhiễm các vi khuẩn, các vi sinh vật, các hóa chất, kim loại độc hại có trong nước. Khi sử dụng máy lọc nước kém chất lượng đồng nghĩa với việc sử dụng nguồn nước không đảm bảo an toàn cho sức khỏe, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng ở mức độ nhẹ thì bị dị ứng da, khô sơ tóc, tiêu chảy; còn ảnh hưởng mức độ nặng nếu như sử dụng nguồn nước không đảm bảo trong thời gian dài có thể gây nhiễm trùng đường ruột và một số bệnh nguy hiểm như: bệnh gan, sỏi thận, ung thư...”
“Việc sử dụng máy lọc nước kém chất lượng sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, khiến cho chúng ta mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm và giảm tuổi thọ. Chính vì vậy chúng ta cần hiểu rõ bản chất của nước, hiểu đúng giá trị của sản phẩm tạo ra nước để lựa chọn cho bản thân và gia đình loại máy lọc nước có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng đảm bảo chất lượng nước để đảm bảo sức khỏe”.
Để rộng đường dư luận, kính đề nghị UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương cùng các cơ quan có liên quan vào cuộc điều tra làm rõ về nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm máy lọc nước của Công ty Napowin để người dân bớt hoang mang.