Đang diễn ra sự kiện về thiết bị và giải pháp xử lý chất thải – công nghệ tái chế bảo vệ môi trường
Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 17:33, 22/11/2023
Trong những năm gần đây, các vấn đề ô nhiễm môi trường đã gây nên rất nhiều hệ lụy cho phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia trên thế giới. Với nền kinh tế được đánh giá tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong thập kỷ vừa qua nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường ở Việt Nam hiện nay tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều điểm nóng, đứng đầu là ô nhiễm không khí, xử lý nước thải và chất thải trong sản xuất và đô thị.
Để có cái nhìn rõ hơn về vấn đề này, RX Tradex Việt Nam phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức sự kiện về thiết bị và giải pháp xử lý chất thải - công nghệ tái chế bảo vệ môi trường từ ngày 22 – 24/11 tại Trung tâm triển lãm Quốc tế Thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương (WTC Expo) với sự ủng hộ của các cơ quan chính phủ, Bộ, Ban ngành liên quan, các tổ chức quốc tế và Hiệp hội… Trong đó, Tổng Công ty Becamex IDC và Trung tâm Triển lãm Quốc tế WTC Expo là đơn vị đồng hành xuyên suốt chương trình 3 ngày.
Mở đầu cho các hoạt động của sự kiện là hội thảo ''Lộ Trình xây dựng nền kinh tế tuần hoàn bền vững đến năm 2030'', diễn ra sáng nay - ngày 22/11. Hội thảo là cơ hội kết nối mạng lưới đa bên, đặc biệt giữa các doanh nghiệp và địa phương đang lên lộ trình tiến tới kinh tế tuần hoàn để tối ưu hóa nguồn lực, giảm thiểu tác động của chất thải tới môi trườn. Đồng thời tìm hiểu những cơ hội và lợi ích về xã hội và kinh tế mà kinh tế tuần hoàn mang lại/ Thông qua hội thảo, các doanh nghiệp và địa phương được nghe chia sẻ về những mô hình KTTH thành công, những bài học cũng như những rào cản và khó khăn mà chúng ta đang gặp phải. Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất hay /thúc đẩy đầu tư hợp tác công tư PPP trong lĩnh vực quản lý rác thải/ hướng tới tái tạo tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu chất thải và ngăn ngừa rò rỉ chất thải nhựa ra sông biển.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 hiệu lực vào ngày 01/01/2022 đã luật hóa những quan điểm trên bằng quy định tại Điều 142 về kinh tế tuần hoàn trong đó đặt ra yêu cầu đối với các doanh nghiệp phải triển khai các biện pháp giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải trong suốt vòng đời dự án từ thiết kế sản phẩm, sản xuất, phân phối và tiêu dùng...
Đối với Việt Nam, công nghiệp môi trường là một phân ngành có tốc độ tăng trưởng liên tục nhằm xử lý ô nhiễm và nhu cầu về thiết bị công nghiệp cho thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải, xử lý khí thải, cấp nước từ các doanh nghiệp sản xuất. Vì vậy, sự kiện là tiền đề mở ra những phát triển mới về lĩnh vực môi trường của Việt Nam bao gồm các hội thảo xoay quanh vấn đề nóng với sự góp mặt của đại diện cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức hợp tác quốc tế, các chuyên gia, đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực xử lý chất thải, tái chế bảo vệ môi trường.
Các chủ đề Hội thảo xoay quanh về Vai trò của phối hợp công tư trong việc thúc đẩy triển khai EPR và thực hành quản lý chất thải bền vững ở Việt Nam; Lộ trình thực tiễn để đạt được quy định đầu tư PPP trong thu gom, xử lý và tái chế chất thải ở Việt Nam; Các giải pháp xử lý hướng đến kinh tế tuần hoàn; Khoa học công nghệ và ứng dụng đào tao doanh nghiệp.
Bên cạnh hội thảo chuyên đề sẽ là khu vực trưng bày giới thiệu sản phẩm, thiết bị công nghệ và giải pháp từ các đơn vị doanh nghiệp hàng đầu mang phương châm không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp. Tại sự kiện WRV lần này, SICK mang đến nhiều công nghệ tân tiến như thiết bị đo lường phát thải bụi được đánh giá là thiết bị đo bụi tốt nhất hiện nay áp dụng nguyên lý tán xạ ánh sáng. Tiếp đến Việt An Group, đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực quan trắc môi trường, ứng dụng công nghệ IoT, Data Center, AI hỗ trợ cho quy trình sản xuất thông minh.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Mỹ Hằng - Trưởng phòng Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi Trường chia sẻ: Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ về việc Việt Nam tham gia Dự án khu vực hợp tác Đức-ASEAN (3RproMar)", Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao cho Cục Biển và Hải đảo xây dựng nội dung hợp phần triển khai tại Việt Nam trong thời gian tới.
Dự án 3RproMar là cơ hội để chúng ta có thể tiếp cận các giải pháp tiết giảm, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa, đồng thời xây dựng một cộng đồng chung có trách nhiệm bảo vệ môi trường và tài nguyên biển cho thế hệ tương lai.
Trong bối cảnh đó, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Đức tổ chức Hội thảo đối tác quốc gia “Hướng tới nền Kinh tế Tuần hoàn”. Mục tiêu của Hội thảo nhằm thúc đẩy chia sẻ các hiểu biết về những thách thức và cơ hội, trao đổi về các giải pháp nhằm dung hòa vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan, từ khối nhà nước, tư nhân tới khu vực phi chính thức, từ đó đưa ra lộ trình giúp các doanh nghiệp và địa phương hợp tác hiệu quả với khối nhà nước qua các mô hình đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực quản lý chất thải cũng như thực thi hiệu quả về Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).
Chúng ta đều nhận thức rằng để xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, chúng ta cần sự đồng lòng và hợp tác mạnh mẽ từ cả doanh nghiệp tư nhân và nhà nước. Việc thực hiện Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất không chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà còn là cam kết phát triển vì một môi trường bền vững. Nhà nước cần đảm bảo môi trường pháp lý và chính sách thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện EPR một cách hiệu quả, đồng thời cũng phải giữ vai trò hướng dẫn và định hình chiều hướng phát triển.
Đặc biệt, sự góp mặt của Đai Đồng Tiến Phát một trong những đơn vị sản xuất và phân phối thiết bị môi trường lớn nhất tại Việt Nam với chuỗi sản xuất khép kín, chứng chỉ quản lý chất lượng ISO tự tin cung cấp chìa khóa trao tay đến nhiều dự án quan trọng. Vì vậy, sự góp mặt từ các đơn vị hàng đầu tạo nên không gian cho việc mở rộng kinh doanh và tìm hiểu từ khách tham quan dễ dàng hơn góp phần thúc đẩy tiến trình sản xuất bền vững cho các doanh nghiệp sản xuất.
WRV23 Confex mang thông điệp kêu gọi các doanh nghiệp nắm rõ và thực thi những chính sách mới trong tương lai; áp dụng những giải pháp xử lý phù hợp trong quy trình sản xuất tiến đến mô hình kinh tế tuần hoàn.
Phát biểu tại Hội thảo, đại diện của BecamexIDC cho biết: "Chúng tôi - BecamexIDC, với định hướng đẩy mạnh KCN-Đôthị - Dịch vụ thông minh - sinh thái, ngoài việc cung cấp đầy đủ các hạ tầng dịch vụ, kỹ thuậtvà xã hội, đã và đang phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, xây dựng các khu công nghiệp thông minh và đô thị thông minh xanh, thu hút các ngành có giá trị gia tăng cao, hỗ trợ cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp có thể chuyển đổi mô hình và dây chuyền sản xuất thông minh nhằm gia tăng năng suất lao động và nâng cao khả năng cạnh tranh của cả nhà đầu tư và khu công nghiệp, góp phần đưa nền công nghiệp của tỉnh Bình Dương phát triển lên phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu".
BecamexIDC mong muốn rằng có thể ứng dụng công nghệ tiên tiến và hệ thống quản lý thông minh để giảm thiểu lượng rác thải và tăng cường hiệu suất sử dụng năng lượng trong các KCN xanh. Tạo ra không gian công nghiệp thân thiện với môi trường, với việc bảo tồn các khu vực xanh và các loại cây cảnh quan. Ngoài ra, cũng mạnh việc thực hiện Đề án thành phố thông minh Bình Dương trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tập trung nguồn vốn cho phát triển kinh tế tuần hoàn…