Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0"
Kinh tế môi trường - Ngày đăng : 11:30, 23/11/2023
Tăng trưởng xanh được xác định là xu hướng tất yếu trong chính sách phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam nhằm hướng tới sự phát triển bền vững. Tăng trưởng xanh đòi hỏi phải huy động được nguồn tài chính đa dạng và phong phú.
Theo các chuyên gia, thị trường tài chính xanh là kênh dẫn vốn quan trọng cho tăng trưởng xanh ở tất cả các nền kinh tế. Tại Việt Nam, khu vực công chỉ có thể đáp ứng khoảng 1/3 nguồn lực yêu cầu. Trong khi đó, thị trường tài chính xanh hiện mới ở giai đoạn đầu hình thành và phát triển, còn khá mới mẻ đối với các doanh nghiệp.
Do đó, tài chính xanh được xem là yếu tố then chốt để cộng đồng doanh nghiệp hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có thể cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD đến năm 2040, tương đương 68% GDP mỗi năm để theo đuổi lộ trình nêu trên. Bên cạnh nguồn lực công, những năm gần đây, Việt Nam đã huy động được nguồn lực từ khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế, thông qua việc hình thành và phát triển thị trường tài chính xanh. Đến nay, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đã định hình nền tảng và phát triển với 3 cấu phần gồm: tín dụng xanh, cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh.
Việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển thị trường và các sản phẩm tài chính xanh, qua đó giúp huy động các dòng vốn xanh từ các quỹ đầu tư vào thị trường chứng khoán được coi là một ưu tiên của cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. Với quản trị xanh (quản trị bền vững - quản trị các giá trị tác động đến môi trường và xã hội), các nhà đầu tư và các quỹ đầu tư coi đây là thành tố then chốt, là một tiêu chuẩn và điều kiện cần để đưa ra các quyết định đầu tư, thay vì coi là điều kiện cộng như trước đây.