[Góc nhìn tuần qua] “Ô nhiễm trắng” tại chợ dân sinh
Góc nhìn tuần qua - Ngày đăng : 11:00, 25/11/2023
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, có thời điểm mỗi ngày Hà Nội thải ra từ 4.000 đến 5.000 tấn rác, trong đó rác thải nilon chiếm đến 7 - 8%. Lượng túi nilon thải loại cũng tăng theo từng năm. Đáng chú ý là, với đặc tính bền, khó phân hủy của các sản phẩm nhựa, nilong đã và đang gây ô nhiễm môi trường, để lại những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và các loài động thực vật. Ghi nhận tại các chợ dân sinh, đặc biệt là ở khu vực ngoại thành Hà Nội, cả người mua và bán đều “chuộng” sử dụng các loại túi nilon hơn là các loại bao chứa khác. Thực tế cho thấy, túi nilong dễ mua, giá rẻ đã và đang tạo thành một thói quen xấu cho người tiêu dùng. Và việc sử dụng túi nilon một lần rồi trực tiếp vứt bỏ đang được xem là điều hiển nhiên mà không hề biết rằng đây chính là nguy hiểm tiềm ẩn, hủy hoại sức khỏe và gây ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, chợ dân sinh cũng đã trở thành chợ 4.0 hiện đại hơn, tiện lợi hơn. Đi chợ tiện lợi bằng QR code, vậy thì chúng ta cũng nên hiện đại khi mang đồ về nhà bằng việc không sử dụng túi nilon dùng một lần. Thay vào đó, chúng ta có thể sử dụng làn nhựa hoặc những chiếc túi vải có thể tái sử dụng. Hàng triệu tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường mỗi năm và một trong những địa điểm dùng túi nilong, đồ nhựa một lần nhiều nhất có lẽ là các chợ dân sinh. Việt Nam đang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, sử dụng 100% túi nilon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân hủy; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt. Sau 2030 sẽ cấm toàn bộ, kể cả chợ dân sinh, sẽ không tiêu thụ túi nilon.