Quốc Oai (Hà Nội): Cần nhanh chóng di dời xưởng giặt là hoạt động xả thải không phép
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 11:50, 25/11/2023
Ngày 25/5/2023, UBND TP. Hà Nội ban hành kế hoạch số 154/KH-UBND về việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; xử lý việc lấn, chiếm và xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất rừng tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.
Qua đó nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; Xử lý việc lấn, chiếm đất nông nghiệp, đất rừng tại các quận, huyện, thị xã, đồng thời làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước về đất đai của UBND cấp xã, cấp huyện và các tổ chức được giao quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất rừng để xảy ra tình trạng lấn, chiếm, xây dựng trái phép, gây thất thoát lãng phí trong sử dụng dụng tài nguyên đất.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể ở cấp xã trong công tác quản lý đất đai, trên cơ sở công khai toàn bộ quỹ đất nông nghiệp, đất nông nghiệp công ích và đất rừng bị vi phạm, đã được kết luận thanh tra và tổng hợp báo cáo. Áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm kịp thời theo thẩm quyền đối với các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất rừng. Xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra tình trạng lấn, chiếm đất nông nghiệp, đất rừng để xây dựng công trình trái phép mà không có biện pháp kiểm tra, xử lý dứt điểm theo đúng quy định của pháp luật.
Để khắc phục tình trạng đó, với sự vào cuộc quyết liệt của UBND thành phố Hà Nội, tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại nhiều quận, huyện cũng đã dần được kiểm soát, đẩy lùi, không để ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, quy hoạch hay ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, theo thông tin của người dân, tại khu gò Đồng Già, xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp đã diễn ra nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được các cấp chính quyền xử lý triệt để. Thậm chí thời gian gần đây khu vực này còn xuất hiện một xưởng giặt là hoạt động xả khói bụi, nước thải có dấu hiệu gây ô nhiễm ra môi trường.
Bác N.V.B, người dân khu gò Đồng Già cho biết: Xưởng giặt là này của con trai ông Cận, mới về đây hoạt động được vài tháng, khu này đều là đất nông nghiệp hết không hiểu sao ông Cận lại xây được nhà rồi dựng xưởng như vậy.
Nhằm tìm hiểu, làm rõ thông tin của người dân, ngày 15/11/2023 Phóng viên Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND xã Cộng Hoà, ông Vương Đắc Lập – Phó chủ tịch UBND xã Cộng Hòa cho biết: Xưởng giặt là hoạt động trên đất của ông Vương Sỹ Cận. Khi về hoạt động xưởng giặt không có bất kì thông báo hay báo cáo gì tới UBND xã. Do xưởng giặt nằm xa khu dân cư, thời gian qua xã tập trung vào nhiều công việc nên không nắm bắt được xưởng hoạt động từ bao giờ nhưng tôi nghĩ chắc họ cũng mới hoạt động thôi. Qua thông tin của cơ quan báo chí, sáng hôm qua (14/11) chúng tôi đã giao cho công an kiểm tra xưởng giặt là về PCCC. Qua công tác kiểm tra, chúng tôi dự kiến tuần này sẽ triển khai làm việc với cơ quan chuyên môn để kiểm tra, xử lý xưởng giặt này.
Nói về các hồ sơ liên quan đến môi trường, đất đai, PCCC của xưởng giặt là, ông Lập cho hay: Hiện tại, bản thân chỗ đó là đất nông nghiệp nên tôi có thể khẳng định luôn là không có hồ sơ pháp lý gì. Đối với xưởng giặt là này chúng tôi sẽ lập hồ sơ xử lý dứt điểm chứ không thể để tình trạng đó diễn ra được vì hoạt động không phép, vi phạm trên đất nông nghiệp, đặc biệt là công tác PCCC không đảm bảo. UBND xã sẽ lập hồ sơ đồng thời gửi văn bản sang công ty điện lực đề nghị cắt điện bởi vì theo tôi đoán họ sẽ sử dụng điện 3 pha để hoạt động. Sau khi lập hồ sơ kiểm tra ban đầu UBND xã sẽ có văn bản đề nghị công ty điện lực cắt điện 3 pha trước.
Được biết, ngày 16/11/2023 UBND xã Cộng Hòa đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 3,5 triệu đồng đối với ông Vương Sỹ Tuấn vì hành vi: Lắp đặt, sử dụng dây dẫn điện, cáp dẫn điện hoặc thiết bị đóng ngắt, bảo vệ hoặc thiết bị sử dụng điện không bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật.
Quy định tại điểm b khoản 1 điều 36 Nghị định 144/2021/NĐ – CP của Chính Phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phòng chống bạo lực gia đình.
Để thông tin đa chiều, khách quan PV đã cùng ông Lập ghi nhận thực tế tại xưởng giặt là.
Theo quan sát của PV, phía bên ngoài xưởng giặt là này không được treo biển hiệu hộ kinh doanh hay công ty. Xưởng giặt này rộng chừng 200m2 mới chỉ được dựng khung sắt, mái tôn, xung quanh được quây bạt rất tạm bợ, lụp xụp. Trong xưởng không có bất kì thiết bị phòng cháy chữa cháy nào gây tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất lớn .
Bên trong xưởng giặt công nhân vẫn đang làm việc bình thường, các loại máy móc hoạt động hết công suất. Nước thải trong quá trình giặt là chỉ được xử lý sơ sài qua bể rồi xả ra ao ngay bên cạnh.
Làm việc với PV, chị Đoàn Thị Yến – Vợ chủ xưởng giặt là cho biết: Xưởng giặt của công ty cổ phần ITC 369 Việt Nam mới về hoạt động được hơn 2 tháng, giám đốc là anh Vương Sỹ Tuấn (con ông Vương Sỹ Cận – chủ đất) chuyên giặt đồ cho các nhà hàng, khách sạn, cơ sở massage. Công ty đang hoàn thiện hồ sơ PCCC và giấy phép đăng ký kinh doanh.
Ngoài ra, chị Yến còn cho biết, trong quá trình giặt cơ sở sử dụng nước giếng khoan để giặt nhưng chưa được cơ quan chức năng cấp phép. Xưởng giặt xả nước thải ra ao, khi đào ao bố em đã xin phép chính quyền chưa em cũng không rõ.
Trao đổi với PV, anh Vương Sỹ Tuấn thừa nhận: Xưởng giặt là chưa có giấy phép đăng ký kinh doanh và hồ sơ về môi trường, PCCC. Xưởng giặt là này đứng tên hộ kinh doanh Vương Sỹ Tuấn chứ không phải công ty cổ phần ICT 369 Việt Nam.
Vậy việc ông Vương Sỹ Cận và Vương Sỹ Tuấn đào ao để chứa nước thải chính quyền xã Cộng Hòa có nắm bắt được và ngăn chặn, xử lý kịp thời hay không? Việc chứa nước thải như vậy về lâu về dài sẽ gây ô nhiễm đất, để lại nhiều hệ lụy cho môi trường.
Điều 208, Luật Đất đai 2013 quy định: Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương.
Hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định có thể coi là hành vi hủy hoại đất như trong Khoản 25 Điều 3 Luật Đất đai 2013 nêu rõ.
Được biết, vừa qua Huyện ủy Quốc Oai có thành lập đoàn công tác kiểm tra, rà soát về công tác quản lý đất đai trên địa bàn xã các xã, trong đó có xã Cộng Hòa. Trong quá trình kiểm tra nhiều cán bộ xã Cộng Hòa đã bị kiểm điểm trách nhiệm. Trên cở sở đó UBND huyện đã chỉ đạo xã xây dựng kế hoạch xử lý cưỡng chế đối với các trường hợp vi phạm về đất đai.
Dù hộ ông Vương Sỹ Cận nằm trong diện phải cưỡng chế nhưng vi phạm không những chưa được xử lý dứt điểm mà còn phình to hơn khiến dư luận đặt dấu hỏi về năng lực quản lý, dấu hiệu “buông lỏng” quản lý đất đai của chính quyền xã Cộng Hòa.
Ngoài vi phạm về PCCC đã được UBND xã Cộng Hòa xử lý còn những tồn tại về môi trường, đất đai của ông Vương Sỹ Cận và Vương Sỹ Tuấn sẽ được UBND xã Cộng Hòa, UBND huyện Quốc Oai vào cuộc xử lý như thế nào? Kính đề nghị Huyện ủy, UBND huyện Quốc Oai chỉ đạo các cơ quan liên quan nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xử lý.
Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.