Thái Nguyên chủ động điều tiết nguồn nước cho vụ xuân

Kinh tế - Ngày đăng : 08:30, 28/11/2023

Theo đánh giá của cơ quan Khí tượng thủy văn, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên lượng mưa năm nay ít hơn so với mọi năm, một số hồ chứa nhỏ ở các địa phương của tỉnh Thái Nguyên có mực nước thấp, nguy cơ thiếu nước tưới dưỡng cục bộ, nên cần chủ động điều tiết nguồn nước cho vụ xuân.

Theo ông Nguyễn Công Thịnh, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên,  Công ty được UBND tỉnh giao quản lý 93 hồ chứa, 103 đập dâng, 7 trạm bơm, phục vụ nước tưới cho hơn 40 nghìn héc-ta lúa và cây trồng khác.

Theo kết quả khảo sát của Công ty, tính đến ngày 21/11/2023, cơ bản các hồ chứa lớn đều đạt trữ lượng từ 70-99% dung tích tiết kế, có thể kể đến một số hồ như: Núi Cốc, Cây Si (TP. Thái Nguyên); Quán Chẽ (Võ Nhai); Ghềnh Chè (TP. Sông Công); Nước Hai (TP. Phổ Yên)… Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh có 16 hồ chỉ đạt trữ lượng từ 50-65% dung tích thiết kế, như: Đoàn Ủy, Kim Tào (Đại Từ); Trại Gạo, Quẫn (Phú Bình); Kim Cương, Trại Đèo (Đồng Hỷ); Khe Cuồng, Khe Ván (Phú Lương)…

Nhìn chung, nguồn nước trong các hồ chứa hiện nay cơ bản đảm bảo cấp nước cho vụ đông xuân sắp tới. Nhưng do nguồn nước phân bố không đều nên tình trạng hạn, thiếu nước tưới dưỡng cục bộ vẫn có khả năng xảy ra ở những vùng có trữ lượng mực nước hồ thấp.

nuoc-cho-vu-xuan.jpg
Ảnh minh họa

Hằng năm, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ nguồn nước và cải tạo, sửa chữa hệ thống kênh mương tích trữ nước. Hiện nay, đa phần các hồ chứa đã được đóng cửa xả để tích trữ nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt.

Công ty đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động tích nước ở các hồ chứa khi có mưa; tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ nguồn nước trong các hồ chứa, đặc biệt là đối với những hồ nhỏ có lượng nước trong hồ thấp, có nguy cơ xảy ra hạn, thiếu nước phục vụ sản xuất.

Công ty cũng yêu cầu các đơn vị chỉ mở nước phục sản xuất. Trạm khai thác thủy lợi ở các huyện, thành xây dựng kế hoạch tưới cụ thể, chi tiết cho từng công trình, xứ đồng; thông báo kịp thời lịch cấp nước cho các địa phương, để địa phương và người dân chủ động lấy nước.

Ngoài ra, chúng tôi cũng quán triệt các đơn vị quản lý chặt chẽ nguồn nước, tăng cường kiểm tra, rà soát các hồ đập để sẵn sàng cấp đủ nước cho gieo cấy, nghiêm cấm tự ý tháo nước tại các ao, hồ, đầm để đánh bắt cá, ông Thịnh cho biết thêm.

Trước và sau mùa mưa lũ, Công ty đều tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng các hồ, đập để có giải pháp khắc phục, vừa đảm bảo dung tích phòng lũ, vừa tích trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, việc sửa chữa mới chỉ được thực hiện ở một số công trình bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng... Công ty đề nghị các cấp, các ngành liên quan tạo điều kiện về kinh phí để khắc phục, sửa chữa, cải tạo kịp thời các công trình thủy lợi hư hỏng, đảm bảo an toàn và cấp nước cho sản xuất.

Cũng theo ông Thịnh, để sản xuất vụ xuân diễn ra thuận lợi, Công ty đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm ngay từ đầu vụ, tránh tình trạng thất thoát, lãng phí nguồn nước. Cùng với đó, các huyện, thành phố cần chủ động xây dựng kế hoạch gieo cấy, bố trí cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng phù hợp...

Minh Trang