Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 chỉ có hai môn bắt buộc là Toán và Văn
Giáo dục - Ngày đăng : 21:33, 29/11/2023
Phương án tổ chức thi và công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được nêu trong quyết định số 4068 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ký ngày 28/11/2023.
Theo đó, hai môn thi bắt buộc gồm Toán và Ngữ văn. Đề Ngữ văn ra dưới dạng tự luận, Toán dạng trắc nghiệm, tương tự hiện nay.
Thí sinh sẽ thi thêm hai môn lựa chọn từ các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ, cũng theo hình thức trắc nghiệm.
Như vậy, dù là môn học bắt buộc ở cấp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, Ngoại ngữ và Lịch sử được xếp vào nhóm môn thi lựa chọn.
So với kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay, số môn thi từ năm 2025 giảm hai và số buổi thi giảm một. Bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học Xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân) không còn, đồng nghĩa thí sinh có thể lựa chọn thi một môn tự nhiên cùng một môn xã hội thay vì cố định phải thi cả 3 môn thuộc cùng một khối như hiện tại.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết quyết định phương án thi này sau khi lấy ý kiến rộng rãi về ba phương án. Hai phương án còn lại là thi bốn môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và ba môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) cùng hai môn tự chọn.
Kết quả, đa số chọn phương án hai hoặc ba môn bắt buộc. Cụ thể, khi khảo sát gần 130.700 cán bộ, giáo viên về hai phương án thi ba và bốn môn bắt buộc, gần 74% chọn phương án ba môn. Sau đó, Bộ khảo sát thêm khoảng 18.000 cán bộ, giáo viên ở TP Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh, Lạng Sơn và Bắc Giang với cả ba phương án thì 60% chọn thi hai môn bắt buộc.
Khảo sát các chuyên gia độc lập và ý kiến từ các chuyên gia thuộc Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, đa số cũng lựa chọn thi hai môn bắt buộc với lý do chủ yếu là giảm áp lực thi cử cho học sinh, giảm chi phí cho gia đình và xã hội, không gây mất cân bằng giữa khối khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên.
Phương án thi hai môn bắt buộc cùng hai môn tự chọn cũng không gây khó khăn cho các trường đại học có sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.
Về nội dung thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ bám sát mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 bởi thí sinh dự kỳ thi này từ năm 2025 đã học hoàn toàn theo chương trình này. Đề thi theo hướng tăng cường đánh giá năng lực. Tới đây, Bộ sẽ công bố đề tham khảo các môn.
Phương thức xét công nhận tốt nghiệp THPT 2025 sẽ kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp.
Bộ cũng sẽ giữ ổn định thi tốt nghiệp THPT trên giấy đến năm 2030, song song với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; sau năm 2030 từng bước thí điểm thi trên máy tính với các môn trắc nghiệm ở những nơi đủ điều kiện.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT với 4 môn tương tự cách đây hơn 45 năm. Giai đoạn 1976-1980, kỳ thi này cũng gồm 4 môn nhưng theo hình thức tự luận. Trong đó Toán, Văn là hai môn bắt buộc, hai môn còn lại phải theo tổ hợp, gồm Lý, Hóa hoặc Hóa, Sinh; Sử, Địa; Sử, Ngoại ngữ. Còn với kỳ thi từ năm 2025, sẽ có tất cả 36 tổ hợp môn.
Còn tính riêng trong 10 năm (2015-2025), kỳ thi có ba lần thay đổi lớn. Năm 2015, kỳ thi gộp giữa thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng (kỳ thi hai trong một). Từ năm 2020, với Luật Giáo dục sửa đổi, kỳ thi có mục tiêu chính là xét tốt nghiệp, giảm độ khó, không còn bắt buộc dùng để xét tuyển đại học.