Khẳng định cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam tại COP28

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 14:54, 30/11/2023

Tham dự Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28), Việt Nam sẽ thể hiện vị thế tích cực, chủ động và sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm, sáng kiến thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hội nghị COP28 được diễn ra từ ngày 30/11 đến 12/12/2023 tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) với sự tham gia của hơn 70.000 đại biểu, bao gồm cả nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Chính phủ và các nhà lãnh đạo thế giới, từ 197 quốc gia và hàng nghìn tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, nhóm thanh niên và các bên liên quan khác.

Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam thể hiện cho các nước thấy những cố gắng của mình trong thời gian qua về thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), đồng thời, tiếp tục huy động nguồn lực, tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế nhằm triển khai thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng “0” trong thời gian tới.

cop28.jpg
Hội nghị COP28 có ý nghĩa lớn, chuyển tải nhiều thông điệp quan trọng của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong vấn đề về biến đổi khí hậu

Theo đó, COP28 diễn ra vào thời điểm then chốt cho hành động của toàn cầu về chống BĐKH. Nhiệt độ tăng cao kỷ lục và tác động nặng nề của các hiện tượng thời tiết cực đoan như cháy rừng, lũ lụt, bão và hạn hán trên toàn thế giới đang khiến việc giải quyết các vấn đề khí hậu ngày càng trở nên cấp bách.

Để đẩy lùi tình trạng trên, Chính phủ các nước cần phải đặt công tác thích ứng với BĐKH lên hàng đầu và là trọng tâm của chương trình nghị sự về khí hậu tại COP28. Theo đó, tại COP28, các nước sẽ tập trung đàm phán với 5 nhóm nội dung chính, gồm:  Một là giảm phát thải khí nhà kính (KNK); Hai là thích ứng với BĐKH; Ba là tài chính khí hậu; Bốn là các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; Năm là đánh giá nỗ lực toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, đứng thứ 21 trên thế giới và đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về phát thải khí nhà kính.

Song Việt Nam đã có nhiều hành động thiết thực để thực hiện giảm phát thải khí nhà kính đi đôi với chuyển đổi năng lượng công bằng. Kinh nghiệm của Việt Nam trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu cũng sẽ là kinh nghiệm cho các nước khác và những nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam sẽ đóng góp đáng kể cho nỗ lực giảm khí nhà kính toàn cầu. Đây cũng là sự quan tâm của các đối tác tại COP28.

Sự tham gia tích cực của Việt Nam, hành động của Việt Nam sẽ có tác động đáng kể cho thành công của Hội nghị và nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Ngay trước khi COP28 diễn ra, nhiều quốc gia đã mong muốn Việt Nam tham gia vào các Sáng kiến và dự kiến Việt Nam sẽ tham gia các sáng kiến quan trọng tại COP28 lần này, trong đó có Cam kết làm mát toàn cầu và Sáng kiến thực hiện Điều 6 Thỏa thuận Paris..

Việt Nam không đưa ra cam kết mới tại Hội nghị COP28 và dự kiến sẽ nêu quan điểm về việc cần tăng cường đoàn kết toàn cầu, thống nhất tầm nhìn mới, có tư duy mới mang lại đột phá trong triển khai, đưa ra quyết tâm mới để hành động quyết liệt, hiệu quả và thông qua giải pháp toàn cầu, toàn diện, đổi mới và sáng tạo, lấy người dân làm trung tâm, không bỏ lại phía sau bất cứ một quốc gia, cộng đồng hay người dân nào.

Đồng thời kêu gọi các quốc gia, tổ chức, tập đoàn cần thực hiện nghiêm túc các cam kết của mình bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Các nước phát triển cần giữ vai trò tiên phong đi đầu, tăng cường hỗ trợ hơn nữa cho các nước đang phát triển chuyển đổi năng lượng công bằng thông qua cung cấp tài chính, nhất là viện trợ không hoàn lại, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực; cần bảo đảm công bằng, công lý khí hậu.

Nhật Trịnh