Đẩy mạnh tái tạo nguồn lợi thủy sản ven bờ
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 14:30, 19/04/2018
(Moitruong.net.vn)– Thời gian qua, tại tỉnh Quảng Ngãi, nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ đã bị suy giảm đáng kể do việc khai thác chưa có quy hoạch và thiếu kiểm soát đã làm. Do đó, việc đẩy mạnh tái tạo nguồn lợi thủy sản ở vùng biển ven bờ tỉnh là vấn đề cần phải quan tâm.
Tỉnh Quảng Ngãi đẩy mạnh việc tái tạo nguồn lợi thủy sản ven bờ
Đến năm 2017, toàn tỉnh có 5.552 tàu cá, trong đó loại tàu 20CV có 898 chiếc. Việc các tàu công suất nhỏ khai thác ở khu vực gần bờ và sử dụng cách đánh bắt theo kiểu tận diệt, cùng với đó là môi trường ô nhiễm, đã làm nguồn lợi thủy sản ven bờ ngày càng cạn kiệt.
Theo đánh giá, mật độ sinh vật phù du tương đối thấp, nên trữ lượng nguồn lợi thủy sản không lớn, trong khi đó số lượng tàu công suất nhỏ khai thác vùng ven bờ lớn, cường độ cao đã dẫn đến rất nhiều những hệ lụy. Do đó, năm nay, ngành nông nghiệp đẩy mạnh việc tái tạo nguồn lợi thủy sản cho vùng biển ven bờ. Ba loại thủy sản sẽ được thả ở vùng biển ven bờ là hải sâm (10.000 con) ở Lý Sơn, ốc hương (300.000 con) và cá bớp (4.800 con) ở những địa phương khác trong tỉnh.
Phó Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, bà Đỗ Thị Thu Đông cho biết, tổng trữ lượng toàn vùng biển là 68.000 tấn, khả năng khai thác là 27.000 tấn. Trong nhiều năm trở lại đây, nguồn lợi thủy sản ở vùng biển tỉnh ta chưa được quan tâm, đánh giá lại một cách hệ thống, chủ yếu sử dụng dữ liệu nguồn lợi được nghiên cứu từ những năm 1990.
Trước đây, việc tái tạo nguồn lợi thủy sản tập trung nhiều ở các ao, hồ, đập ở các huyện miền núi, thì năm nay việc tái tạo nguồn lợi thủy sản sẽ hướng về vùng biển ven bờ. Đây được xem là bước chuyển hướng phù hợp, trước thực trạng nguồn lợi thủy sản ven bờ đang ngày càng cạn kiệt. Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Sở NN&PTNT) Lê Thị Ngọc Hà cho biết, đi đôi với việc quản lý các hoạt động khai thác thủy sản, việc tái tạo nguồn lợi thủy sản ven bờ sẽ góp phần giữ gìn tính đa dạng sinh học cho vùng biển ven bờ.
Cùng với việc thả những giống thủy sản có giá trị kinh tế cao, ngành thủy sản cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho ngư dân không sử dụng các phương pháp đánh bắt mang tính tận diệt. Định hướng của tỉnh ta đến năm 2020 sẽ hoàn thành vùng quy hoạch, khoanh vùng khu vực cấm khai thác. Làm được điều này sẽ vừa bảo vệ thủy sản hiện có, vừa tái tạo nguồn lợi thủy sản ven bờ đang ngày càng cạn kiệt, đồng thời thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020, nhằm phát triển ngành khai thác thủy sản một cách bền vững.
Bà Đỗ Thị Thu Đông cho biết thêm: Những vị trí được chọn thả thủy sản trong đợt này, chúng tôi đều đã đi tiền trạm, khảo sát, nhận thấy đây là những vị trí đảm bảo yêu cầu về môi trường, đảm bảo cho thủy sản sau khi được thả sẽ phát triển tốt.
Linh Lan (T/h)