Hội An sau 8 tháng triển khai thí điểm thu phí chất thải rắn sinh hoạt
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 13:30, 06/12/2023
TP Hội An là địa phương đầu tiên trên cả nước thí điểm quy định về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân theo quy định tại Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Thực hiện Công văn số 3972 ngày 21/6/2022 của UBND tỉnh về “Thí điểm quy định về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn TP Hội An theo quy định tại Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường”, TP Hội An đã triển khai phương án thí điểm thu phí chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) theo lượng phát sinh tại phường Cẩm Nam.
Qua hơn 8 tháng triển khai với giai đoạn thử nghiệm (từ tháng 4 - 7/2023) và thí điểm (từ tháng 7/2023 đến nay), nhiều kết quả đã đạt được dù không ít khó khăn, phát sinh cần được nghiên cứu, đánh giá cụ thể.
Với sự hỗ trợ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN), sự tư vấn và tham gia của Trung tâm Xây dựng và thúc đẩy phát triển bền vững (BUS), ban đầu, TP Hội An chọn 450 hộ trên trục đường Nguyễn Tri Phương (phường Cẩm Nam) phân loại tại nguồn CTRSH thành 3 nhóm.
Bao gồm: chất thải thực phẩm (lưu chứa vào túi chất thải màu trắng trong, chữ xanh); chất thải có khả năng tái chế, tái sử dụng (tự thu gom, xử lý tại nhà) và chất thải rắn sinh hoạt khác (lưu chứa vào túi chất thải màu trắng trong, chữ đen).
TS.Kiều Thị Kính - giảng viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng cho biết, với mục đích thực hiện quy định thu phí chất thải theo lượng phát sinh, nhóm tư vấn đề xuất công thức tính đơn giá túi cụ thể là đơn giá túi bằng chi phí sản xuất túi cộng với chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác phát thải quy đổi từ thể tích túi.
“Trong quá trình triển khai thí điểm, tất cả dữ liệu kiểm toán rác thải đều được ghi nhận cùng với sự sự thay đổi hành vi và lắng nghe sự phản hồi của người dân. Lợi ích của việc này rất lâu dài” - TS.Kiều Thị Kính nói.
Đến quý 2 năm nay, tại Cẩm Nam, lượng khách du lịch tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái nhưng khối lượng trung bình CTRSH phát sinh chỉ tăng khoảng 25,78% so với năm ngoái.
Đáng chú ý, sau quá trình triển khai thử nghiệm đến tháng 7/2023, tỷ lệ hộ duy trì thực hiện phân loại rác tại nguồn là 66%, tăng 20% so với năm ngoái. Số lượng hộ gia đình đồng ý nhận và sử dụng túi chất thải tăng 40% so với giai đoạn đầu thực hiện thử nghiệm.
Theo bà Huỳnh Phạm Thùy Lan - Phó Chủ tịch UBND phường Cẩm Nam, sau 3 tháng nhân rộng thí điểm (từ tháng 9 - 11/2023), đã có 1.300 trên tổng số 1.571 hộ gia đình, hộ kinh doanh tại Cẩm Nam đồng ý nhận và sử dụng túi.
Dựa vào kết quả đạt được, chương trình bắt đầu bán túi thí điểm vào tháng 12/2023, ngày 26/11 bán túi, ngày 1/12/2023 Công ty CP Công trình công cộng sẽ thu gom theo túi được phát; đơn giá túi được quy đổi từ phí vệ sinh môi trường hiện nay là 30 nghìn đồng/tháng”.
Dù vậy, hiện tỷ lệ các hộ dân hình thành thói quen dùng túi được cấp phát để chứa rác chưa cao, mới hơn 50%, kinh phí hỗ trợ cho tổ bảo vệ môi trường cộng đồng thấp. Việc thu phí túi hiện mới chỉ đang trong giai đoạn quy đổi từ 30 nghìn đồng mỗi tháng sang số lượng túi có thể tích phù hợp với nhu cầu các hộ, chưa thể triển khai định giá phí túi theo thực tế sau khi tính đúng tính đủ phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải.
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Trưởng phòng TNMT TP Hội An, cho biết: “Việc tính đúng, tính đủ các chi phí thực tế đồng nghĩa với việc các hộ sẽ tự chi trả khoản phí phát sinh từ khi phát thải đến nơi chôn lấp, xử lý cuối cùng (chiếm khoảng 70% tổng chi phí thực tế, hiện kinh phí này đang được chính quyền thực hiện) thì giá túi thực tế rất cao” - ông Sơn nói.
Sau khi có kết quả đánh giá 1 tháng thực hiện thu phí thí điểm (tháng 12/2023), TP Hội An sẽ duy trì hoạt động truyền thông, xây dựng bộ dữ liệu về lượng rác tiết giảm, tỷ lệ thu hồi rác tái chế, sự thay đổi hành vi người dân, phương án nhân rộng... Trong năm 2024 sẽ cân nhắc xây dựng kế hoạch triển khai ở một số phường khác trên cơ sở phương án đã được tỉnh phê duyệt.
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, một trong những quy định đòn bẩy giúp kiểm soát và hướng đến giảm lượng CTRSH là thu phí CTRSH dựa trên khối lượng hoặc thể tích phát sinh thay vì thu theo định mức chung đối với đối tượng phát sinh rác thải, đặc biệt là đối với các hộ gia đình.
Cùng với đó là các quy định về lộ trình đến ngày 31/12/2024 các địa phương trên cả nước phải triển khai phân loại rác tại nguồn. Việc thí điểm chưa có tiền lệ này đúng với chủ trương xây dựng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch và là bước chuẩn bị cần thiết để Hội An hướng đến thực hiện quy định tại Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường vào đầu năm 2025.