Lục Nam (Bắc Giang) – Bài 1: Trạm trộn bê tông Việt Nhật hoạt động gây bụi bặm, ồn ào khiến người dân bất an
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 13:51, 06/12/2023
Trong quá trình hoạt động, trạm trộn bê tông thương phẩm phát sinh ra nhiều nguồn gây ô nhiễm môi trường như: Bụi phát sinh từ quá trình tập kết, đổ nguyên vật liệu (cát, sỏi, đá, xi măng); từ khu vực silo xi măng, hệ thống băng tải nguyên vật liệu. Nước thải sản xuất phát sinh từ quá trình vệ sinh cối trộn, vệ sinh máng đổ bê tông, rửa xe; quá trình dưỡng hộ bê tông. Nước thải sinh hoạt phát sinh từ hoạt động của cán bộ, công nhân làm việc tại trạm trộn. Chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp... Nếu các nguồn gây ô nhiễm này không được xử lý theo quy định sẽ gây ra những tác động tiêu cực tới môi trường và ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân sinh sống xung quanh.
Khổ vì bụi, tiếng ồn
Trước thực trạng trên, để nâng cao hiệu quả của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của các trạm trộn bê tông về môi trường, đất đai, tài nguyên nước. Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn đã triển khai chuyên đề: “Tác động của hoạt động sản xuất bê tông tới môi trường.” Với mục đích đưa ra những cái nhìn khách quan, đánh giá về tình hình thực tế đang diễn ra, đề xuất những giải pháp quản lý hoạt động của các trạm trộn bê tông.
Trong quá trình triển khai chuyên đề, qua quá trình tìm hiểu, thu thập thông tin, phóng viên (PV) Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn nhận được thông tin của người dân thôn Vũ Trù Đồn, xã Vũ Xã, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang về việc trạm trộn bê tông Việt Nhật thuộc công ty TNHH MTV đầu tư thương mại và dịch vụ Việt Nhật (công ty Việt Nhật) tại thôn Dăm, xã Vũ Xá hoạt động xả bụi, tiếng ồn, nước thải gây ô nhiễm khiến chất lượng nguồn nước ngầm bị đe dọa.
Anh P.B.L, người dân thôn Vũ Trù Đồn chia sẻ về hoạt động của trạm trộn bê tông Việt Nhật: "Rất chi là bụi, rất chi là ồn, thậm chí họ còn làm đến 11 – 12h đêm, bây giờ là 12h trưa thực tế họ vẫn hoạt động bình thường, đêm cũng làm nhiều, xe cộ về cứ rầm rầm. Ảnh hưởng về môi trường bụi là cái đầu tiên sau đó đến tiếng ồn, cái thứ 3 chưa nhìn thấy là bã thải bê tông họ đổ ra ngoài môi trường, tràn lan cả ra ruộng, để lâu dài sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước sinh sống về sau này. Bà con ở đây chưa có nước sạch, vẫn dùng nước giếng khoan. Người dân đã kêu đến quản lý và ông chủ của công ty Việt Nhật là bụi, ồn nhưng mà chả ăn thua".
Cùng nỗi bức xúc với anh L, bác N.T.X cho biết: "Nhức đầu lắm không chịu được, họ làm chả có giờ giấc gì, bụi lắm, nhà cô cứ lau hôm nay ngày mai họ bơm xi măng bụi không thể nào mà chịu nổi. Họ làm ở đây có hôm 2h đêm, mỗi khi hoạt động cứ ruỳnh ruỳnh, người ta đã nói nhiều rồi nhưng chẳng ăn thua gì cả. Mỗi một lần bơm xi măng, bột xi măng bay bám vào lá cây, quả phủ bột xi măng đen sì. Dân họp người ta cũng kiến nghị nhiều rồi nhưng cũng chẳng ăn thua gì, vẫn đâu đóng đấy hết".
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Đức – Chủ tịch UBND xã Vũ Xá cho biết: "Trạm bê tông Việt Nhật hoạt động từ năm 2017 đã được UBND tỉnh, UBND huyện chấp thuận chủ trương đầu tư. Xã có nhận được ý kiến của nhân dân về thời điểm gió trạm bê tông tông Việt Nhật có gây một chút bụi, UBND xã đã làm việc với công ty Việt Nhật, yêu cầu công ty che chắn bụi, họ đã dùng lưới để che chắn nhưng vừa rồi lưới bị rách, chúng tôi đang có ý kiến yêu cầu công ty làm lại".
Liên quan đến các hồ sơ pháp lý về thực hiện Luật bảo vệ môi trường, đất đai cũng như các văn bản liên quan đến công tác kiểm tra, quản lý của UBND xã đối với công ty Việt Nhật, ông Đức cho biết do cán bộ địa chính của xã mới về nên chưa tìm được hồ sơ. Sau đó ông Đức đã giới thiệu PV làm việc với công ty Việt Nhật.
Bà Nguyễn Thị Hồng – Phó giám đốc công ty Việt Nhật cho biết: "Riêng hồ sơ về môi trường của trạm trộn công ty em thì sẽ là đầy đủ vì đã được hướng dẫn nhiều lần của sở, huyện. Nước thải trong quá trình sản xuất bê tông được tuần hoàn, không xả thải ra môi trường. Nước thải chảy vào bể lắng, bể lắng sẽ bơm tuần hoàn lại để lấy nước lên trạm trộn".
Được biết, ngày 24/4/2017 công ty Việt Nhật được UBND huyện Lục Nam cấp Giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường. Theo đó, công ty Việt Nhật phải thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường đã đăng ký.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV vào những ngày tháng 11/2023, các biện pháp bảo vệ môi trường còn nhiều vấn đề. Tuyến đường phía trước cửa công ty lúc nào cũng trong tình trạng phủ một lớp cát dày do xe chở VLXD làm rơi vãi và kéo từ trong bãi ra. Cát còn được tập kết sát mép đường khiến mỗi khi có xe tải hay ô tô lưu thông qua đây kéo theo bụi cát bay mù trời, trắng xóa. Hơn thế nữa, những đống vật liệu này được chất cao có ngọn, không được che chắn là nguyên nhân khiến mỗi khi có gió lớn bụi cát bay vào nhà dân.
Trạm trộn bê tông Việt Nhật chỉ cách nhà dân thôn Vũ Trù Đồn một con đường bê tông nhỏ. Từ trạm trộn bê tông Việt Nhật tới nhà dân cũng không được công ty trồng cây hay quây lưới che chắn để hạn chế bụi. Những đống vật liệu được chất đầy đến nỗi đổ tràn cả vào chân cột điện, tủ điện, gây nguy hiểm cho hành lang an toàn lưới điện, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Theo lãnh đạo công ty Việt Nhật thì nước thải trong quá trình sản xuất bê tông được sử dụng tuần hoàn. Tuy nhiên, trong quá trình ghi nhận, PV nhận thấy nước thải chỉ được công ty Việt Nhật xử lý lắng lọc qua các bể sơ sài. Tại bể lắng lọc công ty còn đục lỗ để nước thải chảy tràn ra môi trường gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm. Một khu vực đất rộng lớn trong công ty được sử dụng làm nơi chứa nước thải và bã bê tông.
Ngoài ra, công ty Việt Nhật đã lắp đặt một cây dầu không phép tại dự án để phục vụ cho việc cấp nhiên liệu. Việc này tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và gây ô nhiễm môi trường rất lớn nếu sự có sự cố xảy ra.
Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang đã làm đúng quy định?
Theo Đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường, một năm công ty Việt Nhật phải quan trắc môi trường không khí và nước thải sinh hoạt 2 lần.
Được biết năm 2022 công ty Việt Nhật kí hợp đồng lập báo cáo quan trắc, giám sát chất lượng môi trường với công ty TNHH công nghệ môi trường Đất Việt cho cả 2 kì quan trắc tháng 4/2022 và tháng 12/2022.
Tại kết quả phân tích mẫu nước thải sinh hoạt của công ty Việt Nhật tháng 4/2022 chỉ tiêu Amoni vượt 1,56 lần, tổng Coliforms vượt 1,5 lần so với giới hạn cho phép theo QCVN 14:2008/BTNMT, cột B.
Tại kết quả phân tích mẫu nước thải sinh hoạt của công ty Việt Nhật tháng 12/2022 chỉ tiêu tổng Coliforms tiếp tục vượt 1,5 lần so với giới hạn cho phép theo QCVN 14:2008/BTNMT, cột B.
Cả 2 lần công ty Đất Việt quan trắc năm 2022 đều có biên bản lấy mẫu theo quy định và cả 2 lần nước thải sinh hoạt của công ty Việt Nhật đều có chỉ số vượt so với giới hạn cho phép.
Ngày 1/8/2023, công ty Việt Nhật kí hợp đồng quan trắc, phân tích môi trường với Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang (Trung tâm quan trắc TNMT Bắc Giang). Tại dòng phương pháp lấy mẫu/thông tin mẫu của phiếu kết quả phân tích mẫu nước thải ngày 19/9/2023 mà Trung tâm quan trắc TNMT Bắc Giang gửi cho công ty Việt Nhật được nêu như sau: Mẫu do khách hàng gửi tới, mẫu đựng trong can nhựa, ở điều kiện thường, chưa bảo quản, dung tích mẫu 3 lít. Và kết quả phân tích cho thấy cả chỉ tiêu Amoni và tổng Coliforms đều nằm trong giới hạn cho phép, thậm chí chỉ tiêu Coliforms còn không phát hiện.
Khi PV hỏi công ty Việt Nhật về việc mẫu phân tích nước thải công ty tự lấy rồi gửi đến Trung tâm quan trắc TNMT Bắc Giang để phân tích hay Trung tâm quan trắc TNMT Bắc Giang cử người về lấy mẫu thì bà Hồng khẳng định Trung tâm quan trắc TNMT Bắc Giang cử người về lấy mẫu. Tuy nhiên, khi PV hỏi đến biên bản lấy mẫu và biên bản giao nhận mẫu ngày hôm đó thì công ty Việt Nhật và bà Hồng chưa cung cấp được.
Tại điều 22, thông tư 10/2021/TT – BTNMT ngày 30/6/2021 quy định kỹ thuật quan trắc môi trường và quản lý thông tin, dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường quy định: Tổ chức thực hiện hoạt động quan trắc tại hiện trường phải thực hiện các yêu cầu về bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng như sau:
Thực hiện phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cán bộ thực hiện quan trắc môi trường. Người thực hiện quan trắc hiện trường phải được đào tạo với chuyên ngành phù hợp với công việc được giao và chỉ được giao chính thức thực hiện quan trắc hiện trường khi được đánh giá là đạt theo yêu cầu của tiêu chí nội bộ và đã tham gia các khóa đào tạo về an toàn phục vụ công tác đi hiện trường được đánh giá là đạt yêu cầu….
Biên bản đo và lấy mẫu hiện trường được thực hiện và hoàn thành ngay sau khi kết thúc việc lấy mẫu tại hiện trường….
Giao và nhận mẫu: phải có biên bản giao và nhận mẫu, trong đó có đầy đủ tên, chữ ký của các bên có liên quan.
Vậy việc Trung tâm quan trắc TNMT Bắc Giang tiếp nhận mẫu từ công ty Việt Nhật để phân tích như vậy có đúng quy định? Trung tâm quan trắc TNMT Bắc Giang đã thực hiện đúng các quy định kỹ thuật quan trắc môi trường hay chưa? Liệu có gì mập mờ, tiêu cực giữa Trung tâm quan trắc TNMT Bắc Giang và công ty Việt Nhật để cho ra kết quả đẹp hay không?
Vấn đề này xin được gửi tới lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, làm rõ. Ngoài ra, những vấn đề tồn tại liên quan đến việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai của công ty Việt Nhật sẽ được Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – moitruong.net.vn tiếp tục thông tin đến bạn đọc.