Khủng hoảng khí hậu làm trầm trọng hơn vấn đề định kiến về giới
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 19:30, 08/12/2023
Biến đổi khí hậu đóng vai trò như một hệ số nhân đối với các mối đe dọa, làm trầm trọng các bất công hiện có. Phụ nữ và trẻ em gái vốn đã phải vật lộn với tình trạng bất bình đẳng giới, nhưng khi thời tiết khắc nghiệt tàn phá một cộng đồng, sự bất bình đẳng đó trở nên trầm trọng hơn, theo nhận định của Liên hợp quốc (LHQ).
Khủng hoảng giáo dục trẻ em gái là vấn đề nổi bật ở Nigeria. Theo Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), hơn 10 triệu trẻ em từ 5 đến 14 tuổi vắng mặt ở các lớp học trên khắp Nigeria. Đối với trẻ em gái, số liệu thống kê thậm chí còn ảm đạm hơn. Ở các bang phía Đông Bắc và Tây Bắc, chưa đến một nửa số trẻ em gái được đến trường.
Theo báo cáo của Tổ chức phi chính phủ Plan International, những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, hư hỏng tại các cơ sở hạ tầng trường học và đường đến trường đã làm gián đoạn đáng kể việc tiếp cận giáo dục có chất lượng của trẻ em gái ở Tây Phi, Nam và Trung Mỹ, khu vực Caribe và Đông Nam Á.
Sự gián đoạn này không chỉ cản trở khả năng đến trường học của trẻ em gái mà còn gây ra những hậu quả lâu dài và sâu rộng, như làm tăng nguy cơ xảy ra các hành vi có hại như tảo hôn, bạo lực trên cơ sở giới và mang thai sớm.
Trẻ em gái thường phải gánh thêm trách nhiệm làm các công việc gia đình hoặc tìm kiếm việc làm ở ngoài do các định kiến giới tính còn phổ biến và tình trạng nghèo đói, khiến việc học tập của các em bị gián đoạn.
Ở những khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng khí hậu, các bé gái còn phải đối mặt với những thách thức ghê gớm hơn. Việc gián đoạn học tập liên quan đến khủng hoảng khí hậu làm trầm trọng thêm các định kiến giới, gia tăng gánh nặng trách nhiệm gia đình, giảm thời gian học tập và tăng gánh nặng tài chính, khiến cả trẻ em gái và cha mẹ các em gặp khó khăn trong việc chi trả cho học tập.
Phụ nữ mang thai dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu - đặc biệt là khi nhiệt độ cực cao. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa các đợt nắng nóng và hàng loạt vấn đề sức khỏe bà mẹ, bao gồm sinh non, thai chết lưu và sinh nhẹ cân.
Nhiều người không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục làm việc và thường xuyên ở ngoài trời, ít có thời gian nghỉ ngơi trước nhiệt độ thiêu đốt khiến cơ thể họ càng thêm mệt mỏi. Những phụ nữ này kêu gọi chính phủ và các tổ chức hỗ trợ tài chính, giúp họ có tiền mua pin mặt trời để chạy quạt điện.
Theo đó, Bangladesh được coi là “điểm nóng khẩn cấp” về quyền của trẻ em gái, theo tổ chức Save the Children. Bangladesh bị xem là dễ bị tổn thương trước khủng hoảng khí hậu. Khi tác động của thời tiết khắc nghiệt đẩy người dân vào tình trạng nghèo đói hơn và các gia đình trở nên tuyệt vọng trong việc giảm bớt căng thẳng về tài chính, nguy cơ tảo hôn sẽ gia tăng.