Thanh Hóa làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 12:00, 09/12/2023
Linh hoạt nhiều giải pháp bảo vệ rừng
Thanh Hóa hiện có gần 650 nghìn ha rừng, chiếm trên 53% diện tích đất tự nhiên, trong đó, có gần 400 nghìn ha là rừng tự nhiên, gần 25 nghìn ha rừng trồng sản xuất. Tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 54%. Chính vì vậy, BV&PTR là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng kiểm lâm và các cấp, các ngành, các địa phương trong toàn tỉnh.
Để thực hiện tốt mục tiêu nêu trên, Thanh Hóa đã triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý BV&PTR, nhất là Chỉ thị số 13-CT/TW, Luật Lâm nghiệp năm 2017... và thực hiện đầy đủ các chính sách để duy trì ổn định diện tích rừng tự nhiên hiện có trên địa bàn. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác phát triển rừng, sử dụng rừng, khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân tích tụ đất đai, liên kết trong sản xuất, liên kết với các cơ sở chế biến và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp.
Các địa phương có rừng tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực khai thác, chế biến gỗ rừng trồng theo chuỗi giá trị phục vụ trong nước và xuất khẩu để nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế rừng. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, chủ rừng, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân đối với công tác quản lý BV&PTR.
Lực lượng kiểm lâm tích cực phối hợp với các địa phương có rừng, thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, tạm dừng việc khai thác tận thu, tận dụng, cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt để ưu tiên áp dụng các biện pháp khoanh nuôi, phục hồi rừng, duy trì diện tích rừng tự nhiên hiện có; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang mục đích khác. Đồng thời, thực hiện hiệu quả công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng, trồng rừng thay thế, các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực lâm nghiệp.
Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm tỉnh phối hợp với các địa phương thực hiện tốt Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 của Chính phủ về việc thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ, nhằm bổ sung thêm nguồn lực thực hiện công tác quản lý BV&PTR.
Diện tích rừng không ngừng được mở rộng
Huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) – điểm sáng trong công tác BV&PTR, có trên 21ngàn ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có 6.331 ha rừng tự nhiên, gần 14.000 ha rừng trồng. Để có được những thành quả trên, những năm qua, Hạt Kiểm lâm Cẩm Thủy đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của Nhân dân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Bên cạnh đó, công tác trồng rừng, phát triển kinh tế rừng luôn được chính quyền và người dân quan tâm thực hiện có hiệu quả. Với sự nỗ lực của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và sự chung sức, đồng lòng của người dân, năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023 huyện Cẩm Thủy đã bảo vệ hiệu quả 21.117 ha rừng; trồng mới được 730,6 ha rừng, bằng 117,83% kế hoạch, trong đó trồng rừng gỗ lớn 155 ha/150 ha, bằng 103,33% kế hoạch; trồng mới trên 250.000 cây xanh, cây phân tán.
Huyện Quan Sơn có trên 85 nghìn ha đất rừng – địa phương có độ che phủ rừng cao nhất của Thanh Hóa. Thời gian qua, lực lượng kiểm lâm trên địa bàn đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao trách nhiệm quản lý, BV&PTR; đồng thời, chủ động tham mưu cho Đảng ủy, UBND các xã rà soát những khu vực trọng điểm về an ninh rừng, xây dựng và triển khai phương án bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng theo phương châm "4 tại chỗ"; phối hợp với các địa phương thực hiện tốt trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; tổ chức cho các hộ gia đình ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp...
Qua tìm hiểu, huyện Quan Sơn hiện có 85.918,94 ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, diện tích có rừng tự nhiên 71.099,50 ha, rừng trồng đã thành rừng 11.596,49 ha, rừng trồng chưa thành rừng 3.222,95 ha. Rừng được trải dài ở hầu hết 12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Độ che phủ rừng của huyện trên 89%, cao nhất tỉnh Thanh Hóa.
Được biết, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa đã trồng rừng tập trung được 64.723 ha và hơn 19 triệu cây phân tán các loại. Hàng năm, các địa phương đã thực hiện trồng rừng gỗ lớn được 3.500 ha, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn hơn 700 ha; thực hiện hiệu quả việc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên và cấp chứng chỉ rừng FSC theo quy định. Các địa phương phát triển, khai thác sử dụng rừng trồng hiệu quả, gắn với bảo vệ rừng. Tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh tăng lên 53,6%, vượt chỉ tiêu đề ra; tình trạng cháy rừng giảm qua từng năm; không xảy ra điểm nóng, vụ việc nổi cộm về phá rừng, khai thác rừng, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép. Rừng tự nhiên được bảo vệ nghiêm ngặt, an ninh rừng được giữ ổn định.
Công tác hợp tác, hội nhập quốc tế trong quản lý, BV&PTR được tăng cường, đẩy mạnh hợp tác song phương với tỉnh Hủa Phăn - nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, thường xuyên trao đổi thông tin, bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác quản lý, BV&PTR và quản lý lâm sản khu vực biên giới 2 tỉnh. Nhận thức của người làm nghề rừng và thu nhập từ sản xuất nghề rừng được nâng lên, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân, góp phần tăng trưởng kinh tế, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh.