Đồng Nai thực hiện hiệu quả phân loại rác tại nguồn trong xây dựng nông thôn mới

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 13:30, 09/12/2023

Ngoài các điểm thu hồi chất thải nguy hại trong sinh hoạt tại 97 xã của 10 huyện, thành phố ra, tỉnh Đồng Nai còn có 1.555 bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật cho thấy sự tích cực trong công tác xây dựng nông thôn mới.

Ngày 8/12, tại UBND xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai), Ban Chỉ đạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới tỉnh phối hợp với Sở TN-MT và UBND huyện Cẩm Mỹ tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả mô hình phân loại rác tại nguồn và sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rác hữu cơ trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp” năm 2023.

8-rac.jpg
Mỗi ngày, có khoảng 2.018 tấn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Theo báo cáo của Sở TN-MT, khối lượng phát sinh khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh khoảng 925 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ 49,2% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt toàn tỉnh. Trong đó, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt khoảng 814 tấn được đưa về các khu xử lý chất thải để xử lý. Còn khoảng 111 tấn chất thải rắn sinh hoạt của các hộ dân tại khu vực nông thôn chưa có tuyến thu gom, được các hộ gia đình thực hiện phân loại, xử lý theo hướng dẫn như làm phân bón, thức ăn gia súc, bán phế liệu…

Tại 97 xã của 10 huyện, thành phố đã bố trí các điểm thu hồi chất thải nguy hại trong sinh hoạt. Ngoài ra, toàn tỉnh có 1.555 bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn toàn tỉnh đạt 43%.

Hội thảo cũng trao đổi, thảo luận về hiệu quả xử lý rác hữu cơ bằng phương pháp ứng dụng lợi khuẩn probiotic (IMO) và nấm men rượu (MEVI) để tạo ra phân bón hữu cơ, thuốc sinh học từ nguồn rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp hữu cơ, chất thải chăn nuôi… vừa giúp giảm chi phí đầu vào vừa đảm bảo sản xuất an toàn. Mô hình này đang được nhân rộng tại các địa phương.

Mai Hạ