Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 102 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 01:30, 05/05/2018
(Moitruong.net.vn) – Ngày 4/5, Hội thảo bàn về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đã diễn ra tại Ninh Bình.
Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai; đại diện các Bộ: Xây dựng, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cùng đại diện thanh tra, lãnh đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường của hơn 30 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Văn Lịch cho biết: Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/12/2014 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, là cơ sở để xác định và xử phạt các hành vi vi phạm trong quản lý và sử dụng đất. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị định đã phát huy hiệu quả, kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm, góp phần tích cực đưa công tác quản lý nhà nước về đất đai vào nề nếp.
Tuy nhiên, theo phản ánh của Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố và ý kiến của cử tri, thì Nghị định vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, nhất là trong việc xác định các hành vi vi phạm (hành vi lấn, chiếm đất, hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất hoặc chuyển quyền sử dụng đất, khái niệm về hủy hoại đất). Việc xác định thời hiệu xử phạt chưa được quy định cụ thể; biện pháp khắc phục hậu quả còn chưa thống nhất cách giải quyết giữa các văn bản; còn khó khăn trong việc xác định tính chất, mức độ của hành vi vi phạm để áp dụng mức xử phạt và đặc biệt mức phạt như hiện nay chưa phát huy được tác dụng răn đe, phòng ngừa vi phạm; nhiều hành vi vi phạm khác theo quy định của Luật Đất đai nhưng chưa được quy định xử phạt trong Nghị định này.
Từ những vấn đề trên, Phó Tổng cục trưởng đề nghị các đại biểu dự Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận kỹ các nội dung về hành vi vi phạm, mức phạt, thẩm quyền, các biện pháp khắc phục hậu quả, đặc biệt là trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và kinh nghiệm giải quyết của các địa phương, để từ đó giúp cho việc đề xuất sửa đổi nội dung của Nghị định được sát hơn với thực tiễn và có tính khả thi cao hơn.
Tại hội thảo, đại diện Cục Kiểm soát quản lý và sử dụng đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai) cũng báo cáo chi tiết nêu rõ những khó khăn, vướng mắc cần xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 102/2014/NĐ-CP như:
Về hành vi vi phạm: Còn nhiều hành vi vi phạm theo quy định của Luật Đất đai nhưng chưa được quy định xử phạt trong Nghị định số 102/2014/NĐ-CP. Cụ thể, các hành vi đã có trong Nghị định số 102/2014/NĐ-CP nhưng còn thiếu hình thức thể hiện (như việc chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa sang đất nông nghiệp khác; việc lấn, chiếm đất chưa sử dụng; nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng đất do được nhà nước giao đất theo chính sách hỗ trợ của nhà nước trong thời hạn 10 năm kể từ ngày có quyết định giao đất…
Ngoài ra, một số hành vi vi phạm khác theo quy định của Luật Đất đai nhưng chưa quy định xử phạt trong Nghị định số 102/2014/NĐ-CP như: Hành vi của tổ chức được nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm để đầu tư xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất nhưng đã cho thuê lại đất trả tiền thuê một lần; Hành vi của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển QSD đất hoặc thuê đất không phải là đất ở nằm ngoài khu, cụm công nghiệp cho phù hợp quy định về các trường hợp được nhận…
Về mức độ xử phạt: Một số hành vi vi phạm có mức phạt còn rất thấp so với lợi ích của việc sử dụng đất do vi phạm đem lại nên chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm như tự ý chuyển mục đích sử dụng đất chỉ phạt từ 2 triệu đồng; lấn, chiếm đất chỉ phạt từ 1 triệu đồng; không đăng ký đất đai phạt từ 500.000đ…
Tại Hội thảo các đại biểu đã đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 102/2014/NĐ-CP, tập trung vào các nội dung như: Sửa đổi, bổ sung một số khái niệm; Bổ sung quy định việc xác định hành vi vi phạm đã kết thúc và các hành vi vi phạm đang diễn ra; Bổ sung quy định về việc xác định số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện từng hành vi vi phạm; Bổ sung các biện pháp khắc phục hậu quả; Bổ sung quy định về việc xác định tính chất, mức độ của hành vi vi phạm; Bổ sung thêm quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; Nâng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi; Tăng mức xử phạt đối với một số hành vi để phù hợp mức độ tác động, ảnh hưởng của hành vi…
Theo Monre