Thừa Thiên – Huế: Giám sát toàn diện Dự án cải thiện môi trường nước

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 14:12, 10/12/2017

Thừa Thiên – Huế: Dân khốn khổ với dự án Cải thiện môi trường nước

(Moitruong.net.vn) – Cử tri các phường trên địa bàn Tp. Huế bức xúc phản ánh đến đại biểu HĐND các cấp việc dự án Cải thiện môi trường nước hoàn trả mặt bằng quá chậm, nhiều tuyến đường làm xong nhưng không thảm nhựa mặt đường gây khó khăn, nguy hiểm.

Thời gian dài người dân đi qua đường Bùi Thị Xuân (Tp. Huế) phải khốn khổ vì nắng bụi, mưa sình lầy

Dự án Cải thiện môi trường nước Tp. Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) được xem là dự án trọng điểm, nhằm cải tạo nguồn nước trên địa bàn thành phố khỏi nguy cơ ô nhiễm, tránh ngập úng cục bộ, tăng chất lượng nước của sông Hương. Dự án do Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế làm chủ đầu tư; được Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ với lãi suất chỉ 0,5%. Kinh phí là 24 tỷ yên, trong đó 20,8 tỷ yên là của Chính phủ Nhật Bản, phần còn lại Trung ương cam kết thông qua Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Tài chính chi trả.

Theo tiến độ cam kết hiệp định vay giữa Chính phủ Việt Nam với Nhật Bản, dự án được thực hiện trong vòng 10 năm, từ 2008 – 2018. Sau gần 2 năm triển khai thi công thực địa, dự án Cải thiện môi trường nước Tp. Huế đã đạt một số kết quả, trong đó, gói thầu xây dựng kè hói cơ bản hoàn thành, riêng hai gói thầu quan trọng nhất là đường cống thoát nước và Nhà máy xử lý nước thải hiện tiến độ khá chậm, trong đó, gói thầu Nhà máy xử lý nước thải đạt tiến độ chậm nhất, với khối lượng hoàn thành đến nay chưa tới 40%, trong khi tiến độ cam kết theo hiệp định vay vốn ODA Nhật Bản phải hoàn thành vào tháng 7/2018, song với tiến độ này thì việc đạt cam kết khó khả thi.

Hiện nay, nhiều tuyến đường, kiệt như Lê Quý Đôn, Bùi Thị Xuân, Tố Hữu, Nguyễn Khuyến, Phan Đình Phùng…  đang được các đơn vị thi công tiến hành đào bới, san lấp, lắp đặt ống cống. Theo người dân phản ánh, nhiều điểm thi công làm bụi bay mù mịt, thiếu biển cảnh báo nguy hiểm hoặc cảnh báo sơ sài, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, gây nhiều khó khăn đối với cuộc sống sinh hoạt của người dân.

Qua những cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp và đại biểu Quốc hội, nội dung phản ánh về những tồn tại của dự án Cải thiện môi trường nước Tp. Huế thường chiếm thời lượng lớn. Vì vậy, ở kỳ họp thứ V, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VII, nhiệm kỳ 2016 – 2021 vừa diễn ra ( – 9/12) đã quyết nghị thông qua việc bổ sung chương trình giám sát dự án Cải thiện môi trường nước Tp. Huế. Chương trình này mục đích giám sát, theo dõi toàn diện dự án để làm cơ sở trả lời những chất vấn, kiến nghị của cử tri cũng như góp tiếng nói của người dân, chính quyền để dự án thực hiện tốt hơn.

Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh – Giám đốc Ban quản lý dự án, do thời gian đàm phán triển khai dự án khá lâu, mất gần 8 năm, trong khi thời hạn ký kết hiệp định vay thực hiện dự án chỉ 10 năm nên khi triển khai thực địa, Ban quản lý dự án buộc phải chỉ đạo các nhà thầu triển khai tổng lực tất cả các mũi thi công. Tháng cao điểm có tới 70 – 80 mũi thi công với hàng trăm công nhân, phương tiện, thiết bị máy móc được tập trung ra đường làm việc 2 – 3 ca, do đó khó tránh khỏi ảnh hưởng đến người dân. Hơn nữa, vì nhiều mũi thi công nên đơn vị khó kiểm soát toàn bộ dự án, thế nên còn để xảy ra những tồn tại như người dân phản ánh.

Huy Đội

Huy Đội