Hội nghị COP28: Các bên vẫn chưa thống nhất được nội dung bản dự thảo thỏa thuận sau cùng
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:30, 13/12/2023
Hội nghị của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28) ngày 12/12 đã không thể kết thúc theo đúng lịch trình đề ra. Các bên đàm phán vẫn bế tắc trong việc thống nhất cho một thỏa thuận cuối cùng của Hội nghị.
Nước chủ nhà, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã quyết định kéo dài hội nghị với thời hạn không xác định cho tới khi nào các bên tìm được tiếng nói chung cho một thỏa thuận.
Phát biểu trước báo giới, Tổng Giám đốc COP28 Majid Al Suwaidi cho biết tất cả các đại biểu tham dự đều muốn hoàn tất Hội nghị theo đúng lịch trình, song lại mong muốn đạt được kết quả tham vọng nhất.
Ông nêu rõ cả Chủ tịch COP28 và các đại biểu tham dự đang nỗ lực tạo ra dấu ấn lịch sử, đề cập đến nội dung liên quan đến nhiên liệu hóa thạch. Ông thừa nhận vấn đề hiện nay là nhiều bên cảm thấy văn bản dự thảo hiện chưa giải quyết đầy đủ mối quan ngại.
Đề xuất "loại bỏ” việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch là một trong những nội dung được đưa vào bản dự thảo đầu tiên của thỏa thuận hành động chống biến đổi khí hậu.
Trong bản dự thảo mới mà Chủ tịch COP28 Al Jaber đưa ra, cụm từ nói trên đã không được đề cập, thay vào đó là cụm từ "giảm thiểu" sản xuất và sử dụng nhiên liệu hóa thạch như dầu khí và than đá, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Phản ứng về dự thảo thỏa thuận này, Ủy viên phụ trách chính sách khí hậu của Liên minh châu Âu (EU), ông Wopke Hoekstra cũng cho rằng dự thảo đề xuất chưa đủ "sức nặng" để giải quyết những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu. Đồng quan điểm, Bộ trưởng phụ trách chuyển đổi năng lượng của Pháp, bà Agnes Pannier-Runacher bày tỏ thất vọng khi dự thảo thỏa thuận mới không đề cập đến loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Đây không phải lần đầu tiên một hội nghị của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu không thể về đích đúng hẹn, cho thấy tính phức tạp của các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu, nhưng mặt khác, theo nước chủ nhà Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, ngay từ trước khi đưa ra dự thảo văn bản thỏa thuận, họ đã biết sẽ có những sự phân cực, nhưng qua đó cũng để hiểu được lằn ranh đỏ trong quan điểm của các bên về chống biến đổi khí hậu. Từ đó tìm ra được một giải pháp phù hợp với lợi ích của tất cả các bên, cũng như lợi ích chung toàn cầu.