COP28 đạt được thỏa thuận về loại bỏ nhiên liệu hóa thạch

Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 11:30, 14/12/2023

Thỏa thuận khí hậu Liên Hiệp Quốc kêu gọi các nước chuyển tiếp khỏi dầu, khí đốt, than, đánh dấu lần đầu tiên toàn bộ nhiên liệu hóa thạch bị nêu trực diện tại COP28.

Sau 13 ngày đàm phán căng thẳng ở Dubai, ngày 13/12, Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28), đại diện của gần 200 quốc gia đã đồng ý về một thỏa thuận khí hậu mới, thỏa thuận đưa ra lời kêu gọi chưa từng có để nhân loại có thể bỏ dần nhiên liệu hóa thạch.

cop-28.jpg
Thỏa thuận nhận được sự đồng thuận từ gần 200 quốc gia. Ảnh: AFP

Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber gọi thỏa thuận này là “lịch sử” trong bài phát biểu của ông trước các đại biểu quốc gia tại phiên họp cuối cùng để thông qua thỏa thuận.

Ông nói: “Lần đầu tiên chúng ta có ngôn ngữ về nhiên liệu hóa thạch trong thỏa thuận cuối cùng của mình”, đồng thời cho biết thêm rằng thỏa thuận này có khả năng “định hình lại nền kinh tế của chúng ta”.

Quá trình sẽ chuyển đổi theo hướng đưa thế giới đạt mức phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050, trong khi thế giới được dự đoán sẽ đạt đỉnh về ô nhiễm carbon vào năm 2025.

Văn bản này cũng kêu gọi tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030, đẩy nhanh nỗ lực giảm sử dụng than và tăng tốc các công nghệ như thu giữ và lưu trữ carbon để có thể làm sạch các ngành công nghiệp khó khử carbon.

Việc hội nghị đạt được thỏa thuận quan trọng này được cho là sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ đến các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách về mong muốn từ bỏ nhiên liệu hóa thạch. Đây là điều mà các nhà khoa học cho rằng là cơ may tốt nhất cuối cùng để ngăn chặn các thảm họa khí hậu.

Một số quốc gia tuyên bố thỏa thuận này báo hiệu sự kết thúc của kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch, nhưng các quốc gia tham vọng hơn và những người ủng hộ khí hậu cho rằng thỏa thuận này vẫn chưa đủ để phản ánh mức độ cấp bách ngày càng tăng của cuộc khủng hoảng khí hậu.

Jean Su, giám đốc công lý năng lượng tại Trung tâm Đa dạng sinh học cho biết: “Cuối cùng thì những lời gào thét nhằm chấm dứt nhiên liệu hóa thạch đã được viết ra trên giấy trắng đen tại COP lần này”.

COP28 đã diễn ra trong những ngày cuối của một năm mà sức nóng toàn cầu chưa từng có, gây ra thời tiết cực đoan, bao gồm cháy rừng kỷ lục, sóng nhiệt và lũ lụt thảm khốc. Năm nay đã chính thức là năm nóng kỷ lục, do sự kết hợp giữa hiện tượng nóng lên toàn cầu do con người gây ra và hiện tượng El Nino, và năm tới dự kiến sẽ còn nóng hơn nữa.

Tuy nhiên, thỏa thuận COP28 thừa nhận các nước đang phát triển cần tới 387 tỷ USD mỗi năm để thích ứng với tác động của khủng hoảng khí hậu và cần khoảng 4,3 nghìn tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2030 để mở rộng quy mô năng lượng tái tạo. Dẫu vậy, nó lại không bao gồm các yêu cầu đối với các nước phát triển phải đóng góp nhiều hơn.

Tô Anh