Bộ trưởng Bộ Tài chính: Cân nhắc các vấn đề liên quan đến kinh tế báo chí
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 17:14, 19/12/2023
"Thủ tướng Phạm Minh Chính khi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam hồi tháng 6/2023 đã chỉ đạo nhiều vấn đề quan trọng, nhất là các vấn đề liên quan đến cơ chế kinh tế, tài chính, để báo chí Việt Nam phát triển bền vững hơn, lành mạnh hơn. Chúng tôi cho rằng đó là những định hướng quan trọng", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ
Một trong những vấn đề sẽ được thảo luận rộng rãi tại Hội nghị báo chí toàn quốc vào ngày 21/12 tới đây là kinh tế báo chí. Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi công văn tới Bộ Tài chính đề nghị hướng dẫn giải pháp tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc của các cơ quan báo chí trong thực hiện quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trao đổi với báo giới xung quanh vấn đề này.
Mới đây, có một số ý kiến kiến nghị đề cập đến nhiều vấn đề về cơ chế tự chủ, tài chính... của báo chí, Bộ trưởng đánh giá thế nào về vấn đề này?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, một số cơ quan báo chí cũng đăng ký làm việc với Bộ Tài chính về những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải. Tựu chung có thể kể đến các khó khăn, vướng mắc trong các quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP; cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất, cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước tại Nghị định 32/2019/NĐ-CP và chính sách về thuế đối với các cơ quan báo chí.
Tôi cho rằng những kiến nghị của các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý nhà nước về báo chí nói chung… là có cơ sở. Tuy nhiên, giải quyết những vấn đề này đòi hỏi nỗ lực không chỉ của các cơ quan báo chí, của Bộ Tài chính, mà còn là của các cơ quan liên quan khác.
Có ý kiến cho rằng, một số quy định thuộc lĩnh vực tài chính đang là nút thắt cho kinh tế báo chí, xin Bộ trưởng phân tích rõ hơn về vấn đề này?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Thực ra, hiểu như vậy cũng là bình thường. Nhưng chúng ta cần nhìn nhận toàn diện hơn. Chẳng hạn với cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị quyết 19 của Trung ương, Nghị định 60/2021 đã yêu cầu đến hết năm 2021 thì lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công phải hoàn thành. Tuy vậy, thời gian qua mục tiêu chung cả nước hướng đến là kiềm chế lạm phát, bảo đảm khả năng cân đối ngân sách, khả năng chi trả của người dân nên nhiệm vụ này chưa hoàn thành. Điều này dẫn đến một số khó khăn không chỉ cho báo chí mà còn cho cả y tế, giáo dục – đào tạo, giáo dục nghề nghiệp…
Một nguyên nhân khác là định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí chậm được ban hành nên cơ sở để đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ công sử dụng NSNN cũng còn một số hạn chế. Tuy vậy, điều đáng ghi nhận là Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí là một trong số ít cơ quan đã ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật.
Chúng tôi mong rằng nhiệm vụ này sẽ được các bộ, cơ quan trung ương… tiếp tục triển khai để không chỉ báo chí, mà các lĩnh vực khác liên quan đến cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước đều thông suốt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Hiện tại, Bộ Tài chính đang tiếp thu, giải trình các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 60/2021 nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong vấn đề tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các cơ quan báo chí.
Cần hướng dẫn cụ thể
Bộ trưởng vừa đề cập ở trên, có một vài cơ quan báo chí cũng đã trực tiếp đăng ký gặp lãnh đạo Bộ để đề xuất, kiến nghị một số vấn đề về chi phí tiền lương trong giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước (NSNN)?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Những kiến nghị, đề xuất này cũng liên quan trực tiếp đến định mức kinh tế - kỹ thuật mà tôi nói ở trên. Đây là cơ sở quan trọng để xác định chi phí tiền lương trong đơn giá, giá sản phẩm, dịch vụ công… của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các cơ quan báo chí. Chúng ta biết, thực hiện các chủ trương của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đang nỗ lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Việc này cần có một cơ sở quan trọng là đơn giá, giá sản phẩm, dịch vụ công… mà các bộ, cơ quan trung ương có trách nhiệm phải ban hành.
Cũng có cơ quan báo chí đề nghị chi phí tiền lương này nên để cho đơn vị sự nghiệp công được thực hiện theo tình hình tài chính cụ thể. Theo đó, đơn vị sự nghiệp công nhóm 1 và 2 có thể quyết định mức lương chi trả cho viên chức, người lao động; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc.
Nhưng theo quy định và để bảo đảm sự thống nhất của pháp luật, thì các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn phải có quy định cụ thể về cơ chế tiền lương như doanh nghiệp, phân định rõ chính sách tiền lương đối với đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 1 và nhóm 2 do các đơn vị này có mức độ tự chủ tài chính khác nhau. Điều cũng đáng mừng là hiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng thông tư hướng dẫn tiền lương sau khi khảo sát các đơn vị sự nghiệp công lập. Tới đây, các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các cơ quan báo chí, sẽ được hướng dẫn cụ thể hơn.
Hiện các cơ quan báo chí cũng rất mong muốn nhận được nhiều "đơn đặt hàng" về dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, một số quy định về trách nhiệm nghiệm thu sản phẩm, dịch vụ công… vẫn còn nhiều điều chưa thực sự thuận lợi, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Đây là vấn đề liên quan tới Nghị định 32/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Sau một năm thực hiện Nghị định này, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và đã báo cáo Thủ tướng tình hình thực hiện nghị định. Bộ cũng đã gửi công văn cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để hướng dẫn một số nội dung vướng mắc.
Chúng tôi khẳng định, những vấn đề thuộc thẩm quyền Bộ Tài chính, thì Bộ luôn sâu sát, hướng dẫn. Còn đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, Bộ Tài chính luôn kịp thời báo cáo Chính phủ để xem xét theo quy định.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề cập với Bộ Tài chính các vấn đề về giá đối với những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính mà liên quan tới báo chí. Bộ trưởng có thể nói thêm về điều này?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Một trong những lý do được Bộ Thông tin và Truyền thông nêu lên là thẩm định phương án giá gắn với trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập, cụ thể là các cơ quan báo chí và nguồn lực của Bộ Thông tin và Truyền thông hiện chưa thực hiện được việc thẩm định giá.
Về nguyên tắc, theo Luật Giá vừa được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ 01/7/2024, các vấn đề này Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ duyệt giá tối đa, đơn vị đặt hàng dịch vụ, sản phẩm trong lĩnh vực báo chí quyết định giá cụ thể để đặt hàng, đấu thầu. Tất nhiên, chúng tôi sẽ cùng Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu vấn đề này trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá.
Chúng tôi mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí trong các vấn đề liên quan trực tiếp để hoàn thiện dự thảo Nghị định này, nhất là về quy định thẩm định phương án giá và các nội dung khác liên quan để chúng tôi có thể trình Chính phủ quyết định.
Các nghị định khác có liên quan như Nghị định 60/2021/NĐ-CP đang trong quá trình dự thảo sửa đổi, Bộ Tài chính cũng đã dự thảo những phương án, giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan báo chí nói riêng, đơn vị sự nghiệp công lập nói chung.
Nhiều cơ quan báo chí trong bối cảnh khó khăn này rất mong muốn được ưu đãi thuế hơn nữa, xin Bộ trưởng có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Đảng và Nhà nước chắc chắn thấu hiểu tâm tư và bối cảnh của báo chí, công cụ sắc bén của hệ thống chính trị. Thực tế, Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp hiện hành đang quy định mức thuế 10% đối với thu nhập của các cơ quan báo chí. Vấn đề ưu đãi thuế còn thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Thực hiện các chủ trương của Trung ương về cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030… các Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành quyết định yêu cầu rà soát thuế thu nhập doanh nghiệp để sửa đổi hoặc bãi bỏ ưu đãi miễn, giảm thuế không còn phù hợp với yêu cầu phát triển, yêu cầu hội nhập quốc tế; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội với chính sách miễn, giảm thuế, đảm bảo tính trung lập của thuế để áp dụng ổn định trong trung và dài hạn…
Những định hướng quan trọng này đang được Bộ Tài chính triển khai, cụ thể là nghiên cứu xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi theo Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội. Chúng tôi sẽ rà soát lại toàn bộ chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế và tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế.
Chúng tôi mong rằng trong quá trình này, các cơ quan báo chí và các cơ quan quản lý báo chí sẽ đóng góp nhiều ý kiến hữu ích để các khó khăn về thuế sẽ được tháo gỡ chung, không chỉ cho các cơ quan báo chí.
Tất nhiên, hiện còn rất nhiều quy định có liên quan đến hoạt động báo chí, nhưng các quy định cũng đã rất rõ ràng. Chúng tôi cũng mong cơ quan quản lý báo chí hướng dẫn và các cơ quan báo chí cũng phải tìm hiểu kỹ để áp dụng nhằm bảo đảm các quy định của pháp luật được thực thi nghiêm minh.
Một trong những vấn đề sẽ được thảo luận rộng rãi tại Hội nghị báo chí toàn quốc vào ngày 21/12 tới đây là "kinh tế báo chí". Sự phát triển của báo chí Việt Nam sẽ không thể bền vững nếu thiếu chủ trương, định hướng của Trung ương cũng như những vấn đề căn cốt là kinh tế để báo chí thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Ngày 25/11 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi công văn tới Bộ Tài chính đề nghị hướng dẫn giải pháp tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc của các cơ quan báo chí trong thực hiện quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.