Ninh Bình sẵn sàng phương án sản xuất vụ đông xuân 2023-2024

Kinh tế - Ngày đăng : 08:30, 20/12/2023

Để sản xuất phù hợp với điều kiện thời tiết năm 2024, vụ đông xuân 2023-2024, ngành Nông nghiệp tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu chung là tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu mùa vụ, cây trồng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị hàng hóa thông qua tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, nhất là giống cây trồng mới.

Theo đánh giá của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thời tiết năm 2024 dự kiến sẽ nóng hơn do ảnh hưởng của El Nino. Nền nhiệt trong mùa đông năm nay có thể sẽ cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1,5 độ C. Cụ thể, thời kỳ đầu mùa đông xuân năm 2023-2024, không khí lạnh hoạt động yếu, rét đậm và rét hại có thể xuất hiện muộn. Cụ thể, tiết Đại hàn vào ngày 21/1/2024 (tức ngày 11/12/2023 Âm lịch), đây là giai đoạn dự báo có tần suất rét đậm, rét hại cao nhất trong năm. Tiết Lập xuân vào ngày 4/2/2024 (tức ngày 25/12/2023 Âm lịch, trước Tết Nguyên đán).

Trước bối cảnh đó, theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Bình cho rằng: Các địa phương cần đặc biệt chú ý bố trí cơ cấu trà, giống, thời vụ gieo cấy để "lách" thời tiết bất lợi; mở rộng diện tích gieo mạ khay, cấy máy, cấy tay để giảm rủi ro; các đơn vị cung ứng giống, các hộ sản xuất cần chủ động dự phòng các giống lúa ngắn ngày để gieo cấy lại trong trường hợp cần thiết. Đồng thời, đảm bảo cho lúa trỗ bông vào giai đoạn thời tiết thuận lợi xung quanh tiết Lập hạ (tập trung từ ngày 5-20/5/2024).

san-xuat.jpg
Ảnh minh họa.

Đồng thời, một khía cạnh bất lợi khác của vụ đông xuân ấm là sâu bệnh sẽ phát sinh nhiều hơn. Cây lúa sẽ có một số vấn đề về dịch hại như chuột, bệnh lùn sọc đen, bệnh sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn. Do đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến nghị bà con nông dân tăng cường áp dụng canh tác lúa cải tiến (SRI), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý sức khỏe cây trồng (IPHM)... vào sản xuất lúa, vừa tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng khỏe, vừa tăng sức chống chịu với sinh vật gây hại.

Để sản xuất phù hợp với điều kiện thời tiết năm 2024, Chi cục sẽ chỉ đạo sản xuất trà xuân muộn là chủ lực, gieo cấy tập trung từ ngày 4/2-20/2/2024. Tăng diện tích lúa chất lượng cao, giống chống chịu tốt với sâu bệnh và điều kiện bất thuận.

Vụ đông xuân 2023-2024, dự báo lượng mưa cũng sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5% đến 15%. Đặc biệt, do ảnh hưởng của tình trạng biến động lòng dẫn, mực nước sông Hồng liên tục bị hạ thấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả lấy nước của các công trình thủy lợi. Hơn nữa, năm nay, tiết Lập xuân cộng với việc lấy nước đợt 1 diễn ra trước Tết Nguyên đán dài ngày nên việc giữ nguồn nước lấy được là nhiệm vụ rất khó khăn. Do vậy, việc điều tiết nước và sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm cần phải được các cấp, các ngành quan tâm chú ý ngay từ đầu vụ.

Vụ đông xuân 2023-2024, ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu chung là tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu mùa vụ, cây trồng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị hàng hóa thông qua tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, nhất là giống cây trồng mới. Cơ giới hóa đồng bộ các khâu làm đất, gieo cấy, phun thuốc, thu hoạch... nhằm đối phó với tình trạng thiếu lao động trong nông nghiệp cũng như giảm chi phí sản xuất. Phấn đấu diện tích gieo cấy lúa chất lượng cao, lúa nếp, lúa đặc sản đạt 80%, diện tích lúa cấy đạt 50%. Đồng thời tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất lúa, rau hướng hữu cơ theo chuỗi giá trị, mở rộng các hình thức liên kết sản xuất. Chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân có nhu cầu sản xuất hàng hóa tập trung thuê đất, mượn đất, liên doanh, liên kết với nông dân sản xuất lúa, rau, củ, quả hàng hóa....

Minh Lâm